EC có thể bỏ chi phí cho khủng hoảng di cư khi tính thâm hụt ngân sách

Các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể được miễn khoản chi phí giải quyết khủng hoảng di cư khi tính toán thâm hụt ngân sách theo từng trường hợp.
EC có thể bỏ chi phí cho khủng hoảng di cư khi tính thâm hụt ngân sách ảnh 1Người di cư từ Syria tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau khi vượt biển Aegean từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/10. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Báo chí Đức ngày 5/10 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể được miễn khoản chi phí giải quyết khủng hoảng di cư khi tính toán thâm hụt ngân sách theo từng trường hợp.

Hiện Áo là nước tiên phong kêu gọi loại bỏ khoản chi cho người tị nạn của nước này khi tính thâm hụt ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling cho rằng một số nước EU thực sự phải chịu gánh nặng về tài chính đối với người tị nạn và việc những nước đó bị Ủy ban châu Âu (EC) trừng phạt do không thể đạt mức thâm hụt theo quy định là điều bất hợp lý. Ông cho biết phải có đề xuất về loại bỏ những khoản chi phí như vậy khi tính thâm hụt ngân sách.

Trong khi đó, Ủy viên về Kinh tế và Tiền tệ châu Âu Pierre Moscovici cũng cho biết EC sẽ nghiên cứu vấn đề này. Theo một quan chức giấu tên, sau khi nhận được đề nghị từ một nước thành viên, EC sẽ kiểm tra khả năng áp dụng trong từng trường hợp theo Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng châu Âu.

Năm 2014, Áo - một trong số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cuộc khủng hoảng di cư, đã đạt cân bằng ngân sách về cấu trúc theo quy định của EU và trong năm nay, nước này đang nỗ lực kêu gọi loại bỏ khoản chi phí cho người tị nạn khi tính toán mức thâm hụt ngân sách, coi khoản chi này là ngoại lệ hay chi trả một lần, không phải tính vào tổng chi khi tính mức thâm hụt ngân sách.

Hiện mức chi phí cho cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Áo trong năm nay chiếm khoảng 0,1% ngân sách và trong năm tới là 0,3% - con số tương ứng khoảng 1 tỷ euro.

Nhiều nước EU khác như Đức, Hy Lạp, Italy và Hungary cũng đang phải chi một khoản ngân sách không nhỏ để giải quyết vấn đề người tị nạn đổ vào các nước này.

Tối 5/10, hàng nghìn đối tượng cực hữu đã tuần hành ở thành phố Dresden, miền Đông nước Đức, nhằm bày tỏ phản đối người tị nạn và người nước ngoài ở nước này.

Những người tuần hành tham gia cuộc biểu tình truyền thống vào tối thứ Hai hàng tuần của phong trào bài Hồi giáo Pegida mang theo các biểu ngữ như “Hãy ngừng kiểu du lịch tị nạn,” “Ngăn chặn những kẻ lừa dối tị nạn,” “Ngăn chặn sự xâm chiếm của đạo Hồi.”

Họ cũng mang những biểu ngữ chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Nhiều người mặc áo in dòng chữ "Không hoan nghênh người tị nạn" để phản đối người tị nạn đang đổ vào nước này, cũng như lên án chính sách của chính phủ ưu ái người tị nạn.

|

Theo số liệu của Cục Di trú và người tị nạn liên bang (BAMF), số người tị nạn đã đăng ký chính thức từ đầu năm cho tới hết tháng 9 vừa qua ở Đức đạt 573.000 lượt người, trong đó riêng trong tháng 9 đã có 160.000 lượt đăng ký mới, con số đăng ký cao kỷ lục trong một tháng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo mật của cảnh sát liên bang, chỉ riêng từ 5/9 đến 1/10 vừa qua, cảnh sát đã ghi nhận trên 273.800 trường hợp tị nạn, cao hơn rất nhiều so với con số đã đăng ký chính thức xin tị nạn ở Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục