EC công bố báo cáo về kinh tế của các thành viên

Trong báo cáo của EC, Tây Ban Nha được kỳ vọng nhiều nhất, do chính phủ nước này đang vật lộn với tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Ngày 30/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế của các quốc gia thành viên.

Báo cáo đã phân tích khá sâu về thực trạng nền kinh tế của các nước trong thời điểm hiện nay, từ việc cắt giảm ngân sách tới cải cách ngân sách và thị trường lao động, cũng như nội dung kế hoạch tăng cường quyền lực giám sát ngân sách của cơ quan này.

Đáng chú ý là phần nội dung báo cáo về Tây Ban Nha - quốc gia lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được kỳ vọng nhiều nhất, do chính phủ nước này đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái nghiêm trọng, hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.

Tiếp đó là về Italy, theo đánh giá của báo cáo, quốc gia này thời gian qua đã có những bước chuyển đổi đáng kể do cách thức cải cách của Thủ tướng Mario Monti.

Báo cáo của EC cảnh báo Pháp cần chú ý tập trung ổn định vấn đề ngân sách, cải cách hệ thống lương hưu, giảm tỷ lệ thất nghiệp, chú trọng lĩnh vực xuất khẩu,... Đây là những thách thức mà Pháp cần nỗ lực khắc phục nhiều hơn cũng như dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bỉ bị thúc giục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với tài chính công để đáp ứng mục tiêu thâm hụt của họ trong năm nay và xúc tiến các cải cách quan trọng để nâng cao sự cạnh tranh, đảm bảo đáp ứng những mục tiêu thâm hụt của EU. Còn Đức và Bulgaria thì được khuyến nghị phải điều chỉnh sự thâm hụt quá mức theo một “phương thức bền vững."

Tuy đề cập đến các nước có sự thâm hụt ngân sách quá mức, báo cáo không có khuyến nghị nào về các biện pháp trừng phạt mà chỉ khuyến nghị đóng hồ sơ đối với một số nước có vi phạm ngân sách và mở hồ sơ đối với một số nước khác.

Một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành ở bảy nước EU và công bố mới đây cho thấy 75% người dân Anh và Hy Lạp phản đối việc EU có nhiều quyền lực hơn đối với ngân sách của các quốc gia. Chỉ có Italy có số người ủng hộ nhiều hơn, chỉ với 40% phản đối. 50% người dân ở Ba Lan và Pháp phản đối việc EU tăng cường giám sát ngân sách, trong khi ở Tây Ban Nha là 54%, và ở Đức là 56%.

Tiếp sau bản báo cáo này, EC dự kiến sẽ công bố Bản báo cáo thứ 28 trên cơ sở những khuyến nghị được 27 ủy viên của EC thương lượng chỉnh lý trong bản báo cáo ngày 30/5./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục