EC điều tra về độc quyền với dược phẩm

Uỷ ban châu Âu đang tiến hành các vụ điều tra chống độc quyền đối với một số hãng dược phẩm lớn và cảnh báo các hãng này đã cản trở việc đưa ra thị trường những loại thuốc cùng dòng.

Uỷ ban châu Âu (EC) đang tiến hành các vụ điều tra chống độc quyền đối với một số hãng dược phẩm lớn và cảnh báo các hãng này đã cản trở việc đưa ra thị trường những loại thuốc cùng dòng khi bằng sáng chế độc quyền hết hạn.

Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), Neelie Kroes khẳng định các nhà sản xuất thuốc gốc đang tìm mọi cách làm chậm lại tiến trình đưa các loại thuốc cùng dòng vào thị trường của họ. Do đó EC sẽ tăng cường thực hiện các quy định chống độc quyền và giám sát các thoả thuận giữa các nhà sản xuất thuốc chủ chốt và cùng dòng.

Khởi động vào tháng 1/2008 cuộc điều tra của EU đã thu thập bằng chứng từ ba hãng dược phẩm lớn nhất thế giới là Pfizer của Mỹ, GloxoSmithKline của Anh và Sanofi-Aventis của Pháp cùng một số hãng dược phẩm khác.

Mới đây EU đã bắt đầu điều tra hãng Les Laboratoires Servier của Pháp về việc cản trở việc đưa ra các loại thuốc cùng dòng của thuốc chữa bệnh tim Perindopril. Các quan chức EU nói rằng họ nghi ngờ Servier đã có thoả thuận với các hãng sản xuất thuốc cùng dòng Krka, Lupin, Matrix, Niche Generics Ltd và Teva để trì hoãn đưa ra thị trường các loại thuốc cùng dòng.

FPIA, đại diện của 44 hãng sản xuất dược phẩm, cho rằng báo cáo của EU là chưa thoả đáng. Theo họ, chính các nhà điều hành EU đã thừa nhận sự phức tạp cùng sự chồng chéo trong quy định là nguyên nhân chính cản trở sự thâm nhập thị trường của thuốc cùng dòng do chi phí cho việc nộp đơn và bảo vệ bằng sáng chế trong từng nước ở EU rất tốn kém.

Thuốc cùng dòng rẻ hơn 40% so với thuốc gốc sau hai năm xuất hiện trên thị trường và đóng vai trò then chốt trong việc giảm bớt chi phí y tế cho dân số đang già hoá và ốm yếu của châu Âu.

EC nói rằng sẽ giám sát các thoả thuận giữa các hãng dược phẩm chủ chốt như Pfizer Inc, GlaxoSmithKline PLC, Sanofi-Aventis và các hãng sản xuất dược phẩm cùng dòng bởi cứ mỗi tuần hay mỗi tháng chậm đưa thuốc ra thị trường là họ làm tiêu tốn rất nhiều tiền của cả bệnh nhân và người đóng thuế.

FPIA cho rằng các công ty có quyền bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm mà họ có được và đa số bằng sáng chế đều hỗ trợ cho cạnh tranh vì nó giải quyết được kiện tụng và cho phép chuyển giao công nghệ.

Báo cáo của EU phát hiện thấy các loại thuốc cùng dòng không được đưa ra thị trường tới 7 tháng sau khi bằng sáng chế về loại thuốc gốc hết hạn. Điều này làm các bệnh nhân ở châu Âu tốn tới hơn 3 tỷ euro tiền thuốc trong giai đoạn từ năm 2000 cho tới năm 2007.

Năm 2007, EU chi tới 214 tỷ euro tiền thuốc tương đương 430 euro/người và phần lớn là do bảo hiểm chi trả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục