ECB: Cuộc chiến thương mại đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính

Tác động của sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đối với các thị trường tài chính vẫn tương đối hạn chế, nhưng rủi ro sẽ lớn hơn nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra trên bình diện toàn cầu.
ECB: Cuộc chiến thương mại đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính ảnh 1Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một báo cáo phân tích công bố ngày 27/11, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định tác động của sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đối với các thị trường tài chính vẫn tương đối hạn chế, nhưng rủi ro sẽ lớn hơn nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra trên bình diện toàn cầu.

Theo các nhà kinh tế, tác động của các tin tức liên quan đến các biện pháp thuế quan cho đến nay vẫn tương đối hạn chế và khá cân bằng trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu, mặc dù với các công ty và lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp thì tác động lại tồi tệ hơn nhiều.

Tuy nhiên, họ cảnh báo nếu căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu theo đó tất cả các nước đánh thuế lên hàng hóa của nhau thì có thể sẽ gây ra những điều chỉnh mạnh trên các thị trường tài chính.

[Trung Quốc hy vọng có thể "hóa giải" xung đột thương mại với Mỹ]

Phân tích của ECB được đưa ra vào thời điểm sắp khép lại một năm đã chứng kiến sự gia tăng nhiều tuyên bố và các biện pháp bảo hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Trong suốt năm qua, giá trị số hàng hóa mà mà chính quyền của ông Trump áp thuế đã tăng dần lên 300 tỷ USD, với hơn 250 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc, cùng với thuế đối với thép và nhôm cũng được áp lên sản phẩm của các nước khác.

Chỉ ra hoạt động yếu kém hơn nhiều của các công ty và lĩnh vực mà việc tăng thuế trực tiếp hướng đến, các nhà kinh tế của ECB nhận định nếu đe dọa về việc tăng thuế được mở rộng tới các sản phẩm ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thì tác động đến thị trường có thể sẽ lớn hơn.

Sau khi giả định ba kịch bản về một cuộc chiến thương mại, trong đó hai kịch bản là giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới và một là kịch bản mà từng nước sẽ áp thuế nhập khẩu lẫn nhau, các nhà kinh tế nhận thấy rằng một cuộc chiến thương mại mang tính khu vực sẽ không gây ra rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính.

Theo họ, chỉ khi ngày càng nhiều nước bị cuốn vào cuộc chiến thương mại hay mức thuế cũng như loạt hàng hóa bị ảnh hưởng tăng mạnh mới có thể khiến lợi suất trái phiếu tăng đáng kể và gây ra sự lao dốc trên thị trường chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục