ECB kêu gọi EU sớm thông qua quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Phát biểu tại Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Lagarde nêu rõ quỹ phục hồi kinh tế của EU, trị giá 750 tỷ euro (887 tỷ USD), cần sớm trở thành hiện thực.
ECB kêu gọi EU sớm thông qua quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ phục hồi kinh tế đại dịch COVID-19 cần phải được thông qua mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào.

Đây là khuyến cáo được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra ngày 19/11, sau khi Ba Lan và Hungary phủ quyết việc thông qua kế hoạch trên của EU.

Phát biểu tại Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu (EP), bà Lagarde nêu rõ quỹ phục hồi kinh tế của EU, trị giá 750 tỷ euro (887 tỷ USD), cần sớm trở thành hiện thực.

Theo bà Lagarde, các nguồn lực bổ sung của quỹ này có thể tạo điều kiện cho các chính sách tài khóa mở rộng, chủ yếu là ở các nước thuộc Khu vực sử đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguồn lực tài chính hạn chế.

[Kinh tế Eurozone có thể rơi vào suy thoái kép]

Bà Lagarde cho biết bản thân ECB cũng đã phải áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm để giữ dòng chảy tín dụng, cũng như giúp các nước Eurozone vượt qua tác động của dịch COVID-19, trong đó có các khoản vay siêu rẻ cho các ngân hàng, cùng kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp, trị giá 1.350 tỷ euro.

Bà Lagarde cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu chia sẻ gánh nặng thông qua gói kích thích tài chính.

Tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về gói hỗ trợ kinh tế 1.800 tỷ euro cho 7 năm tới trong bối cảnh kinh tế đình đốn vì đại dịch. Gói hỗ trợ này gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro.

Theo quy định, gói ngân sách này vẫn cần được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua và được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Tuy nhiên, đầu tuần này, Ba Lan và Hungary đã phủ quyết cả 2 kế hoạch trên do việc gắn phân bổ ngân sách của EU với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của khối này.

Dự kiến, đúng 0 giờ ngày 20/11 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp trực tuyến bàn về vấn đề này.

EU đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng sẽ không nhượng bộ để đáp ứng yêu cầu của Ba Lan và Hungary.

Trong vai trò của Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Đức cho rằng có nhiều sức ép từ nhiều phía nhằm thông qua kế hoạch ngân sách EU và gói phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà hai nước thành viên là Hungary và Ba Lan đã bác bỏ.

Phát biểu trước báo giới ngày 19/11 trước khi có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp các nước EU, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin vẫn đang tìm kiếm giải pháp để toàn bộ các nước thành viên thông qua kế hoạch ngân sách và khoản quỹ hỗ trợ các nước ứng phó với COVID-19, qua đó đáp ứng nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỷ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19.

ECB kêu gọi EU sớm thông qua quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 2Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại một cuộc họp báo ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức khẳng định nhiều nước tại châu Âu đang chờ đợi khoản tiền được giải ngân, do đó, có nhiều sức ép từ các bên.

Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Romania Ludovic Orban cho rằng việc hai nước thành viên Hungary và Ba Lan phủ quyết kế hoạch ngân sách của EU và gói phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn khối, bao gồm cả người dân 2 nước. Ông thể hiện quan điểm của Romania ủng hộ cơ chế giám sát pháp quyền.

Bởi theo ông Orban, việc tôn trọng các tiêu chuẩn pháp quyền là sự đảm bảo cho mọi người đóng thuế rằng tiền sẽ được chi tiêu một cách chính xác vì lợi ích công cộng. Ông Orban tin tưởng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận phù hợp với quan điểm của EU.

Trước đó, ngày 18/11, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino cho biết bà tin tưởng rằng EU sẽ tìm thấy một giải pháp để vượt qua sự phản đối từ Hungary và Ba Lan về việc thông qua ngân sách và gói phục hồi kinh tế của khối giai đoạn từ 2021-2027./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục