ECB kêu gọi Eurozone tiếp tục "thắt lưng buộc bụng"

ECB kêu gọi Eurozone tiếp tục thắt lưng buộc bụng

ECB kêu gọi Eurozone tiếp tục theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng" bất chấp lo ngại rằng có thể cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19/2 đã kêu gọi các quốc gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng" bất chấp lo ngại rằng những biện pháp khắc khổ này có thể cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Bratislava của Slovakia, ông Joerg Asmussen, thành viên Ban điều hành ECB cho biết: "Chưa thể khẳng định rằng trong ngắn hạn (một hoặc hai năm), chính sách "thắt lưng buộc bụng" có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế hay không, nhưng việc châu Âu tiếp tục cải cách tài chính lành mạnh là hết sức quan trọng vì đây chính là yếu tố tích cực có lợi cho quá trình tăng trưởng cũng như đưa các nhà đầu tư nước ngoài trở lại khu vực Eurozone."

Trong khi đó, một số quốc gia, đặc biệt là Pháp cho rằng các biện pháp kinh tế khắc khổ phải đảm bảo không làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU, liên minh vốn đang chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt ba năm qua.

Mặc dù vậy, Quốc hội Pháp ngày 19/2 vẫn thông qua dự luật cải cách ngân hàng bất chấp chỉ trích cho rằng dự luật này "làm thất bại" các cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Francois Hollande.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici, dự luật cải cách ngân hàng được thông qua trong bối cảnh EU đang thúc đẩy các kế hoạch cải cách tài chính nhằm vực lại niềm tin tại Eurozone.

Một trong những điểm mới nhất trong dự luật vừa được thông qua là các ngân hàng lớn của Pháp buộc phải chuyển đổi các hoạt động được gọi là đầu tư-giao dịch độc quyền liên quan đến tài sản riêng của ngân hàng, trong đó có cả các khoản tiền gửi, thành các quỹ tài chính tách biệt. Đây là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ các khoản tiền gửi của khách hàng.

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng những biện pháp mới sẽ gây áp lực lớn cho các ngân hàng vốn đang áp dụng quá nhiều những qui định tài chính mới, cũng như gây khó khăn trong việc cơ cấu nợ của Pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục