ECB yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị cho kịch bản "Brexit"

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu các ngân hàng lớn trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Anh rời khỏi EU.
ECB yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị cho kịch bản "Brexit" ảnh 1(Nguồn: DPA)

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu các ngân hàng lớn trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Anh rời khỏi EU, còn gọi là "Brexit."

ECB đã gửi thông tin nêu trên tới một ngân hàng ở Anh để cảnh báo nguy cơ xảy ra những cơn sốc với thị trường trong trường hợp "Brexit."

Theo một phát ngôn viên ECB, ngân hàng này hiện đang giữ liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng liên quan để có thể có phản ứng một cách phù hợp về nguy cơ cũng như hậu quả của "Brexit." Các ngân hàng cần chuẩn bị tốt trước nguy cơ "Brexit," phản ứng với các cú sốc thị trường và những thay đổi khác liên quan.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cử tri Anh sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về quy chế nước này trong EU vào ngày 23/6 tới. Kể từ mùa Thu 2014, ECB chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp các ngân hàng lớn trong Eurozone.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR) - viện nghiên cứu độc lập lâu đời nhất của Vương quốc Anh - vừa đưa ra lời cảnh báo về các cú sốc mà Xứ sở Sương mù sẽ phải đối mặt nếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là "Brexit," sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên vào ngày 23/6 tới.

Đồng bảng Anh sẽ rớt giá mạnh, giá cả tăng vọt, trong khi mức tăng lương và nhịp độ tăng trưởng kinh tế sẽ dần chậm lại, nếu kịch bản "Brexit" xảy ra.

NIESR lưu ý rằng đồng bảng sẽ lập tức giảm 20% ngay sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU.

Trong trường hợp "Brexit," lạm phát sẽ tăng vọt do ảnh hưởng của việc đồng bảng xuống giá mạnh, trong khi đầu tư lao dốc và chi tiêu tiêu dùng sa sút đáng kể khi thu nhập thực của người dân giảm. Khi đó, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ khó tránh khỏi bị giảm đi 1% trong năm 2017.

Theo đánh giá của NIESR, trong dài hạn, việc rời khỏi EU sẽ khiến cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm đi 1,5-3,7% vào năm 2030, trong đó mức độ giảm phụ thuộc vào quan hệ khi đó giữa Anh và EU cũng như giữa Anh và các nước khác trên thế giới.

Kịch bản xấu nhất trong trường hợp "Brexit" xảy ra, tức là khi Anh không được hưởng những ưu đãi thương mại như khi là thành viên EU cộng thêm năng suất lao động giảm khi đầu tư của các doanh nghiệp giảm sút, thì mỗi hộ gia đình Anh ước tính trung bình có thể sẽ thiệt hại tới 2.000 bảng (2.440 USD) trong dài hạn.

Kết cục tồi nhất là sự sụt giảm về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Anh sẽ dẫn tới tình trạng lương bị giảm 10% vào năm 2030 so với khi Đảo quốc Sương mù vẫn là thành viên của EU.

Ngoài ra, NIESR nhấn mạnh việc cắt giảm mạnh số người nhập cư trong trường hợp Anh rời EU sẽ là điều "cực kỳ khó" thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục