Nokia sẽ bị thôn tính?

EIU cảnh báo Nokia có thể bị thôn tính vì thua lỗ

Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế đánh giá rằng khả năng Nokia bị thôn tính càng tăng lên.
Giám đốc điều hành tập đoàn Nokia, Stephen Elop đã bác bỏ tin đồn về việc Microsoft có thể mua lại Nokia. Song, Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế đánh giá rằng khả năng Nokia bị thôn tính càng tăng lên, trong bối cảnh tập đoàn này đã vấp phải quý lỗ thứ hai trong vòng 19 năm qua.

Mặc dù ông Elop vẫn cam kết sẽ phục hồi lại sự phồn thịnh cho Nokia mà không phải nghĩ đến việc bán nó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng, khi giá cổ phiếu của Nokia đã giảm từ 11,75 USD đầu tháng 2/2011 xuống còn chưa đến 6 USD, đồng thời lo ngại quyết định hợp tác với Microsoft, để sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7 trên các điện thoại thông minh của Nokia, có thể là sai lầm, bởi thị trường điện thoại thông minh đang trở thành cuộc cạnh tranh giữa Apple và Google.

Bên cạnh đó, sự thống trị của Nokia trên thị trường điện thoại thấp cấp cũng đang bị đe dọa bởi các đối thủ trẻ hơn. Nhiều người dự đoán tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sẽ vượt qua Nokia để trở thành hãng cung cấp di động lớn nhất thế giới trong một vài tháng, thậm chí là một vài tuần tới.

Câu hỏi được đạt ra hiện nay là: "Ai sẽ quan tâm đến việc mua một công công ty với đầy rẫy những khó khăn như vậy?." Một số nhà sản xuất đang phát triển nhanh của châu Á có thể coi Nokia như "cái cùm" ở chân.

Đối với các công ty tập trung vào thị trường cấp cao như Microsoft, nhiều bộ phận kinh doanh của Nokia có thể bị coi là quá dư thừa. Ngoài ra, giá thị trường 22 tỷ USD hiện nay của Nokia cũng tạo ra một gánh nặng tài chính lớn đối với nhiều người mua tiềm năng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc cơ cấu lại Nokia có thể làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn. Giám đốc Elop đã chia Nokia thành hai bộ phận riêng biệt, trong đó một bộ phận tập trung vào phát triển điện thoại thông minh, bộ phận còn lại chuyên sản xuất điện thoại tiêu chuẩn cho thị trường chung.

Một cơ cấu như thế có thể khiến Microsoft muốn mua bộ phận phát triển điện thoại thông minh, còn các công ty châu Á sẽ nhắm đến bộ phận còn lại.

Ngoài ra, còn một số yếu tố hấp dẫn khác thúc đẩy việc mua lại Nokia. Trước tiên, tập đoàn này đang kiểm soát khoảng 1/4 thị trường điện thoại di động. Người mua Nokia có thể giành ngay được vị trí dẫn đầu thị trường hoặc ít nhất là vị trí thứ hai ở rất nhiều nước.

Nếu người mua là Samsung, nó có thể làm cho tất cả các đối thủ khác trở nên nhỏ bé tức thì và làm cho Samsung có vị thế trên thị trường di động giống như Intel trên lĩnh vực bán dẫn và Microsoft trên lĩnh vực phần mềm. Vụ mua bán này cũng giúp giành được mạng lưới bán hàng rộng lớn với các kênh tiếp thị đã giúp Nokia giữ vững vị trí là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu trong nhiều năm.

Chủ sở hữu mới của Nokia cũng sẽ có thêm lợi thế trong việc đàm phán các thương vụ với các nhà cung cấp, như các nhà sản xuất chip điện tử, đồng thời có quyền kiểm soát các quyền sở hữu trí tuệ quý giá của Nokia.

Trên thực tế, nếu không có khoản chi trả 623 triệu USD từ Apple để giải quyết một vụ tranh cãi bản quyền, kết quả kinh danh của Nokia trong quý 2 vừa qua có thể còn xấu hơn.

Cuối cùng, cái giá khoảng 22 tỷ USD cũng không phải là quá lớn, nếu so với việc Microsoft chi 8,5 tỷ USD để mua Skype. Mặc dù Nokia có thể là một sự cản trở lớn trong hoạt động, nhưng một người mua giàu có có thể tự do tạo ra những thay đổi lớn cần thiết để đưa công ty này trở lại "mạnh khỏe."

Rõ ràng, cách đây chỉ một năm, việc mua lại Nokia, thậm chí là một phần của Nokia, là điều không thể, song trong bối cảnh cán cân sức mạnh trên thị trường di động thay đổi nhanh chóng như hiện này, điều không thể này sẽ trở thành có thể./.

Đình Thư (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục