EIU: GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014

Kinh tế toàn cầu đang trở nên sáng sủa hơn nhờ đà tăng trưởng của Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi khá ấn tượng ở Eurozone.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn Nhà Kinh tế của Anh ngày 12/12 công bố báo cáo, trong đó nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên sáng sủa hơn và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng khá trong năm 2014.

Kết quả này có được nhờ đà tăng trưởng của các "đầu tàu" như Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi khá ấn tượng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

EIU dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014. Nếu điều này trở thành hiện thực thì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chỉ cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,9% đưa ra trước đó, mà còn đánh dấu nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Sự cải thiện ở các nước phát triển là yếu tố chính khiến EIU lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực khi GDP tăng 3,6% trong quý ba vừa qua; gần 600.000 việc làm được tạo ra trong ba tháng gần đây; lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được cải thiện. EIU dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 1,7% trong năm nay trước khi tăng lên 2,6% trong năm tới, cho dù tốc độ tăng trưởng trong quý này có thể bị ảnh hưởng do quyết định đóng cửa một phần chính phủ hồi tháng 10 vừa qua.

EIU cho biết Tổng sản phẩm nội khối của Eurozone tuy sụt giảm sáu quý liên tiếp, song đã tăng trở lại với tỷ lệ 0,3% trong quý hai và 0,1% trong quý 3/2013. Dựa trên các số liệu mới đây, EIU dự báo GDP của Eurozone sẽ tăng 0,9% trong năm 2014, trong đó nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đạt tỷ lệ 1,4% (so với 1,3% trong báo cáo lần trước) và nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp tăng 0,7%, thấp hơn so với mức dự báo 0,9% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng trước.

Đối với Nhật Bản, EIU cho rằng chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục tiến triển, khiến xuất khẩu tăng mạnh và sức ép giảm phát cũng cũng dịu đi phần nào. Theo EIU, phép thử lớn tiếp theo sẽ đến vào tháng 4/2014 khi chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng. EIU dự báo GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,7% trong năm tới, tương đương mức tăng trưởng trong năm nay.

Theo EIU, lo ngại lớn nhất trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là sự giảm tốc ở Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm từ 7,7% trong năm nay xuống khoảng 7,3% năm sau, do Bắc Kinh thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên nhịp độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Triển vọng kinh tế của Ấn Độ đang cải thiện sau vài năm gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã phục hồi nhẹ trong quý ba sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng bốn năm trở lại đây vào quý trước đó. Sự phục hồi này được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. EIU nhận định GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6% trong năm tới so với 4,9% trong năm nay.

Đối với các nền kinh tế Đông Âu, EIU dự báo GDP của các nước trong khu vực sẽ tăng ở mức khiêm tốn 1,4% trong năm nay, do sự giảm tốc của nền kinh tế Nga và điều kiện kinh tế yếu ở Đông và Trung Âu. Tuy nhiên, trong năm tới, nhu cầu tiêu dùng ở Đức và Eurozone được dự báo sẽ tăng lên, giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực Đông Âu. Theo EIU, GDP của các nền kinh tế Đông Âu sẽ tăng 2,9% trong năm 2014, trong đó GDP của nền kinh tế lớn nhất khu vực là Nga tăng 3%.

EIU cho biết tăng trưởng kinh tế ở Nam Mỹ đang giảm do những bất lợi trên thị trường vốn và nguồn cầu yếu ở hai thị trường xuất khẩu chính của khu vực là châu Âu và Trung Quốc, trong khi đầu tàu Brazil đang phải trả giá do những hạn chế về hoạch định chính sách và thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, EIU vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này ở mức 3,2% trong năm 2014 nhờ vào điều kiện tốt hơn của nền kinh tế toàn cầu.

Đối với Trung Đông và Bắc Phi, EIU cho rằng bất ổn chính trị tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế khiến GDP khu vực chỉ tăng 3,7% trong năm 2014, phần lớn nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh. Triển vọng kinh tế trung hạn sẽ rất bấp bênh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,7% trong năm nay và 4,5% trong năm tới nhờ nhu cầu trên thế giới và luồng vốn đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở khu vực này tăng lên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục