Emmanuel Macron và chiến dịch "quyến rũ" các nhà đầu tư

Khoảng 140 doanh nhân lớn của Pháp và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã được mời đến lâu đài Versailles để tham dự một hội nghị mang tên "Hãy chọn nước Pháp" và trao đổi trực tiếp với ông Macron.
Emmanuel Macron và chiến dịch "quyến rũ" các nhà đầu tư ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: THX/TTXVN)

"France is back!" (Nước Pháp đã trở lại!) là thông điệp luôn đươc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định trong mọi chuyến thăm và làm việc song phương và đa phuong, cũng như trên mọi diễn đàn quốc tế mà ông tham dự.

Thông điệp ngắn gọn hàm chứa ý nghĩa to lớn: Pháp đã trở lại là một cường quốc châu Âu và là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy vậy, con đường không trải đầy hoa hồng.

Khoảng 140 doanh nhân lớn của Pháp và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia vào đầu tuần qua đã được mời đến lâu đài Versailles (ngoại ô Paris) để tham dự một hội nghị mang tên "Hãy chọn nước Pháp" và trao đổi trực tiếp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo một nguồn tin từ Điện Elysée, khoảng một chục dự án với tổng trị giá 3 tỷ euro đã được ký kết nhân dịp này và sẽ được triển khai trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Trong số những con át chủ bài mà chính phủ Pháp đưa ra tại hội nghị này nhằm thu hút các nhà đầu tư, việc sửa đổi bộ luật lao động và lời cam kết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 33,3% hiện nay xuống 25% được đánh giá cao nhất.

Tiếp đó là việc cải cách hành chính vì theo nhà kinh tế học Jean-Yves Archer, "một rào cản các nhà đầu tư đến với Pháp nằm ở sự phức tạp của thủ tục hành chính, thiếu ổn định về quy chuẩn và quá nhiều văn bản pháp lý."

Ông nhắc lại rằng Emmanuel Macron đã rất quan tâm đến đến vấn đề này và tại Đại hội lần thứ 100 của Hiệp hội các Thị trưởng Pháp, diễn ra vào tháng 11/2017, đã đề nghị phải hủy bỏ hai văn bản pháp lý cũ mỗi khi ban hành một văn bản mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự kiện được Tổng thống Macron tổ chức tại Versailles đã đạt được mục tiêu: nước Pháp đã tạo được một hình ảnh tích cực trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, trước khi họ đến Davos (Thụy Sĩ) tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới.

Một điểm nhấn khác của hội nghị, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay vì phải ngồi nghe diễn văn đã có thể trao đổi trực tiếp với Tổng thống Pháp, và nhận được những câu trả lời cho những thắc mắc của họ.

[Pháp “lách luật” cấp tín dụng xuất khẩu bằng đồng euro cho Iran]

Nước Pháp đang chứng tỏ rằng sự sáng tạo và năng động đã trở lại cùng với việc thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế được chờ đợi từ lâu, đáp ứng kỳ vọng của giới doanh nghiệp.

Sự kiện này nằm trong chính sách ngoại giao kinh tế vốn được Tổng thống Macron thực hiện triệt để thời gian gần đây.

Cần nhắc lại rằng Hội nghị thượng đỉnh về khí hâu "Một hành tinh" được tổ chức tháng 12/20174 tại Paris đã biến nước Pháp thành một biểu tượng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vô cùng cam go và khốc liệt.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã được mời đến Paris, nhân dịp đó đã chứng kiến sự hồi phục từng bước của nền kinh tế Pháp.

Thách thức còn ở phía trước

Tuy vậy, các chuyên gia không tỏ ra quá lạc quan. Theo nhà tư vấn chính sách về luật cạnh tranh Erwan Le Noan, trên thực tế, sự tăng trưởng của Pháp vẫn chậm chạp.

Cho dù các nhà đầu tư hoan nghênh hình ảnh năng động và tích cực hơn của nước Pháp, vẫn phải đợi cho đến khi sự ghi nhận đó được cụ thể hóa thành những quyết định đầu tư.

Ông Le Noan nhấn mạnh: "Còn quá sớm để đo được thành công. Ảnh hưởng của những cải cách do Chính phủ khởi xướng vẫn chưa thể được cảm nhận rõ ràng."

Nếu như mong muốn cải cách của chính phủ là rõ ràng, cho đến nay dư luận vẫn luôn nghi ngờ việc thực hiện cụ thể đi vào chiều sâu những cải cách đó. Chưa tính đến những tồn tại khác như chi tiêu công và thuế còn ở mức cao. Từ đó đặt ra câu hỏi: liệu những cải cách đó có khả năng cải thiện cuộc sống của người Pháp không? Chính phủ luôn khẳng đinh rằng nhờ sự cải cách, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại, nền kinh tế sẽ khởi sắc trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Le Noan, lập luận này đúng nhưng chưa đủ để giải quyết những thách thức mà nước Pháp đang phải đối mặt. Cải cách "sẽ không bao giờ thành công nếu không thực hiện một cuộc cách mạng sâu sắc trong chi tiêu công," ông Le Noan nhấn mạnh.

Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của ông Michel Ruimy, giáo sư chuyên ngành kinh tế tiền tệ và thị trường vốn.

Theo ông, trong con mắt các nhà đầu tư, một nền kinh tế thật sự chuyển đổi phải được chứng minh thông qua sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm ổn định.

Mặt khác, với chính sách hỗ trợ tối đa các tập đoàn đa quốc gia, nếu không có sự điều tiết thận trọng, ông Macron luôn có nguy cơ biến thành hiện thực danh hiệu "Tổng thống của những người giàu" mà phe đối lập cố gắn cho ông từ nhiều tháng nay.

Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia, để đưa Pháp trở thành một nước hấp dẫn các nhà đầu tư, vấn đề cốt lõi nằm ở lĩnh vực đào tạo. Pháp hiện đang thiếu một lực lượng lao động có năng lực cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Giáo sư Michel Ruimy cũng nhấn mạnh rằng bộ luật lao động phải khuyến khích được sự linh hoạt hơn trong tổ chức công việc để các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với thực tế.

Các giải pháp khác bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Cơ quan quản lý thuế, tăng khả năng cạnh tranh xã hội thông qua giảm các chi phí và thuế đối với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh.

Tuy vậy, dư luận nói chung đều mong muốn rằng những cải cách này sẽ không hủy hoại các đặc trưng của mô hình Pháp, nhất là liên quan đến hệ thống giáo dục đại học, mạng lưới giao thông vận tải, các tổ chức xã hội...

Emmanuel Macron và chiến dịch "quyến rũ" các nhà đầu tư ảnh 2Cảnh đông đúc trên một con phố thương mại ở Lille. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nói một cách khác, vượt lên trên các đặc quyền đặc lợi của các tập đoàn đa quốc gia, mọi chính sách của chính phủ phải mang tính toàn cầu và giành cho tất cả các doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau.

Theo giáo sư Michel Ruimy, giải pháp duy nhất để giữ được mô hình Pháp là phải được quản lý tốt hơn, tổ chức chặt chẽ hơn và ít tốn kém hơn. "Điều đó có nghĩa là phải cải cách cơ cấu vì, đối với đa số các nhà đầu tư, nếu có cùng khả năng cạnh tranh như Đức và cùng mức thuế như của Hà Lan hoặc Bỉ, Pháp sẽ là nhà vô địch thế giới và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của châu Âu," ông khẳng định.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Pháp hiện nay đang bị cản trở bởi một cấu trúc hành chính - thuế quá cồng kềnh và phức tạp. Kiên quyết kiềm chế chi tiêu công là một giải pháp tiên quyết, nhưng cũng là một thách thức lớn mà chính phủ thậm chí còn chưa bắt tay vào thực hiện.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp là trọng tâm của hệ thống kinh tế và xã hội. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, ưu tiên hàng đầu là giảm thuế đánh vào họ.

Mặt khác, các doanh nghiệp tại Pháp nhất là có quy mô vừa và nhỏ luôn gặp khó khăn trong việc thiết lập quan hệ hợp tác với ngân hàng. Việc thiếu vốn và những rủi ro đi kèm với khoản nợ ngắn hạn chỉ có thể được giải quyết nếu các bên trung gian tài chính đồng ý sửa đổi các tiêu chí tín dụng hiện nay.

Chiến dịch "quyến rũ" các nhà đầu tư của Tổng thống Macron được đưa ra vào thời điểm các cải cách cơ cấu lớn của Pháp đang được triển khai. Vị thế và tiếng nói của Pháp ngày càng được củng cố trên trường quốc tế.

Vấn đề đặt ra là Tổng thống Macron phải hiện thực hóa các lời hứa và kế hoạch đầy tham vọng về sự phát triển trong tương lai của Pháp, nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn thích ứng với điều kiện toàn cầu hóa, vì lợi ích của tất cả mọi người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục