Engels - “cây vĩ cầm thứ hai” của giai cấp vô sản toàn thế giới

Engels đã cùng với Marx để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học Marxist, về kinh tế Marxist, về chiến lược và sách lược cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân.
Engels - “cây vĩ cầm thứ hai” của giai cấp vô sản toàn thế giới ảnh 1

Friedrich Engels là một trong những thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Kart Marx.

Là một trong những người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Engels đã cùng với Marx để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học Marxist, kinh tế Marxist, chiến lược và sách lược cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân.

“Cây vĩ cầm thứ hai” của giai cấp vô sản toàn thế giới

Friedrich Engels sinh ngày 28/11/1820, trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay). Sống trong một trung tâm công nghiệp, từ nhỏ, Engels đã tận mắt nhìn thấy cuộc sống bần cùng của những người công nhân lao động.

Năm 1942, Engels sang Anh và đến với thành phố công nghiệp dệt Manchester. Tại đây, ông đã đi thăm những nơi công nhân sống chen chúc trong cảnh nghèo nàn, bẩn thỉu. Thấy rõ sự khổ cực của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, Engels đã viết tác phẩm ''Tình cảnh giai cấp công nhân Anh'' (năm 1844). Trong tác phẩm này, ông miêu tả một cách chân thực, sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Với tác phẩm này, Engels được coi là người đầu tiên phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng người lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột.

Cuối tháng 8/1844, trên đường từ Anh trở về Đức, khi đi qua Paris, Engels đã gặp Kart Marx. Hai người cùng chung lý tưởng đã kết bạn với nhau từ đó cho đến hết đời. Nhiều công trình lý luận nổi tiếng đã mang tên Marx-Engels, trong đó có bản “Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản” nổi tiếng, mà Lenin đã cho rằng "Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách."

Sau khi Marx quan đời, Engels không chỉ đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo giai cấp công nhân quốc tế, mà còn dồn toàn bộ công sức, trí tuệ vào việc bảo vệ và phát triển học thuyết Marx. Ông đã biên tập và cho xuất bản trọn vẹn quyển 2 (1885) và quyển 2 (1894) của bộ ''Tư bản.''

Là một nhà lý luận cách mạng thiên tài, Engels có cống hiến kiệt xuất đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cùng với các công trình viết chung với Marx, ông còn có hàng loạt tác phẩm lớn như ''Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước;'' ''Biện chứng tự nhiên;'' ''Chống Đuyrinh,'' ''Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức;'' ''Cách mạng và phản cách mạng ở Đức''... Trong các tác phẩm, Engels trình bày một cách sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học; đồng thời bút chiến đanh thép chống lại những quan điểm, luận điệu sai trái của giới học giả tư sản, cũng như của các phần tử cơ hội.

Cống hiến của Engels đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, với học thuyết Marx nói riêng là rất to lớn, trường tồn. Song, ông là con người hết mực khiêm nhường và chỉ tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai," bên cạnh “cây vĩ cầm thứ nhất” là Marx. Tình bạn, tình đồng chí giữa Engels với Marx thật sâu sắc, thủy chung, cảm động. Đánh giá công lao của ông, Lenin từng viết: “Engels đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Engels cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được."

Friedrich Engels qua đời ngày 5/8/1895, tại London cách đây vừa tròn 120 năm, hưởng thọ 75 tuổi.

Tư tưởng Marx-Engels với cách mạng Việt Nam

Những tư tưởng của Marx, Engels về chủ nghĩa xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, công tác xây dựng Đảng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Engels, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Việt Nam đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục