Eo biển Hormuz thổi sức "nóng" vào thị trường dầu

Những căng thẳng giữa phương Tây và Iran ở eo biển Hormuz thổi thêm "sức nóng" vào thị trường dầu mỏ trong tuần giao dịch đầu năm.
Thị trường dầu mỏ trải qua tuần giao dịch đầu tiên của Năm Mới 2012 đầy biến động theo sau đà tuột dốc của đồng euro do tác động của khủng hoảng nợ công và nỗi lo tuyến đường trung chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa phương Tây với Iran.

Giá dầu bắt đầu đi lên từ phiên 3/1, phiên mở đầu Năm Mới 2012, nhờ các số liệu kinh tế tích cực tại Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng như những lo ngại quanh những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ, phương Tây và Iran xung quanh việc trung chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz.

Trong phiên này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2012 tăng tới 4,13 USD, đóng cửa ở mức 102,96 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 4,75 USD, chốt ở mức 112,13 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, một thỏa thuận về cơ bản giữa các chính phủ châu Âu về lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Iran có thể sẽ khiến giá dầu nhiều khả năng còn lên cao hơn trong thời gian tới. Trong một báo cáo bình luận về thị trường, hãng Phillip Futures nhận định "lệnh cấm nhập khẩu này của phương Tây sẽ buộc Tehran phải tìm các khách hàng khác mua dầu thô của họ."

EU là thị trường xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai của Iran, sau Trung Quốc. Các quốc gia EU mua khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong tổng số 2,6 triệu thùng/ngày xuất khẩu của Iran.

Các nhà đầu tư hiện đang quan tâm sát sao đến tình hình tại eo biển Hormuz - con đường vận chuyển huyết mạch chiếm khoảng 20% lượng dầu thô chuyên chở của toàn thế giới, do Iran đã lên tiếng yêu cầu Mỹ rút lực lượng hải quân khỏi vùng Vịnh.

Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng đẩy giá dầu đi lên là thông tin tích cực từ kinh tế Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gia tăng trong tháng 12/2011 nhờ có hoạt động mua sắm nhân dịp cuối năm. Theo Liên đoàn hậu cần và thu mua của Trung Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của nước này đạt 50,3 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2011 và trên 50 điểm chứng tỏ sự phát triển của lĩnh vực sản xuất.

Theo ông Victor Shum, nhà phân tích hàng đầu của Công ty tư vấn năng lượng quốc tế Purvin &Gertz, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ năng lượng số một thế giới. Chính vì vậy, bất kỳ động thái nào từ Trung Quốc cũng có thể làm thị trường dầu thô thế giới biến động.

Tới phiên ngày 4/1 trên các thị trường châu Âu và Mỹ, giá dầu đã có lúc tăng vọt lên gần mức cao nhất 8 tháng qua do các nhà đầu tư càng thêm lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Iran, nhà sản xuất dầu mỏ lớn của vùng Vịnh, với Mỹ và các nước phương Tây. Ngoài ra, thị trường dầu thô còn được hậu thuẫn mạnh mẽ từ những số liệu kinh tế tích cực mới nhất tại các cường quốc kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, qua đó cho thấy triển vọng khá lạc quan của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu về năng lượng.

Đóng phiên 4/1 tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2012 tăng 69 xu lên 112,82 USD/thùng, sau khi đã có lúc vọt lên 113,97 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 14/11/2011. Còn tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao cùng kỳ hạn lại giảm nhẹ 35 xu xuống 102,61 USD/thùng, sau khi trước đó đã có lúc trong phiên chạm mức 103,74 USD/thùng - mức cao nhất của hợp đồng này kể từ ngày 11/5/2011.

Sau khi leo lên đến gần đỉnh cao nhất trong 8 tháng qua đêm trước giá dầu lại đảo chiều đi xuống vào phiên 5/1 do hai nhân tố: đồng euro mất giá so với đồng tiền xanh và kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vượt dự đoán. Đồng tiền chung châu Âu đã trượt xuống 1,2777 USD/euro, mức thấp nhất kể từ ngày 13/9/2010. Đồng tiền xanh mạnh khiến dầu mỏ - mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này - trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang giữ trong tay các tiền tệ khác, khiến nhu cầu mua giảm.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào 30/12 tăng 2,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 900.000 thùng mà các chuyên gia đưa ra trước đó- báo hiệu nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy yếu.

Kết phiên 5/1 giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2/2012 đóng cửa ở mức 101,81 USD/thùng, giảm 1,41 USD so với phiên trước. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 96 xu lùi về 112,74 USD/thùng.

Thị trường khép lại một tuần giao dịch đầy biến động trong xu thế đi xuống vào phiên cuối tuần 6/1 theo sau đà đi xuống của thị trường chứng khoán và đồng USD mạnh lên, bất chấp bức tranh sáng màu hơn trên thị trường lao động Mỹ (tỷ lệ thất nghiệp sụt xuống 8,5%, mức thấp nhất trong gần 3 năm). Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2012 giảm thêm 46 xu còn 101,35 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 24 xu còn 112,50 USD/thùng./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục