EP trao quyền giám sát 6.000 ngân hàng cho ECB

EP đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép ECB kể từ năm 2014 sẽ trở thành cơ quan giám sát đối với khoảng 6.000 ngân hàng trong Eurozone.
Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/9 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kể từ năm 2014 sẽ trở thành cơ quan giám sát đối với khoảng 6.000 ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Đây là bước đi đầu tiên của châu Âu nhằm xây dựng một liên minh ngân hàng của khối, vốn được coi là chính sách chủ chốt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài ba năm qua ở 17 nước Eurozone.

Như vậy, gần  một năm sau ngày các chính phủ EU quyết định ủng hộ kế hoạch này, một liên minh ngân hàng đã phôi thai.

Với mục tiêu thiết lập một cơ cấu tổ chức thống nhất và hỗ trợ các ngân hàng Eurozone, với các cơ chế nhằm xử lý các ngân hàng ốm yếu và bảo vệ tài khoản tiền gửi của khách hàng, đây là một trong những dự án tham vọng và nhiều thách thức nhất của EU.

Hơn ba năm sau khi Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp phải xin cứu trợ, việc xây dựng một hệ thống ngân hàng thống nhất ở Eurozone được coi là tấm lá chắn chính bảo vệ khu vực trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Ngoài việc trao quyền cho ECB, hai "trụ cột" còn lại trong kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng (gồm thiết lập cơ chế đảm bảo tiền gửi chung và thành lập cơ quan có quyền tái cơ cấu hay đóng cửa các ngân hàng) vẫn còn xa vời do khó có thể đạt được sự đồng thuận.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch ECB Mario Draghi hy vọng sẽ được một thoả thuận vào cuối năm nay, trong khi Philippe Gudin, một chuyên gia kinh tế thuộc Barclays Research nhận định kế hoạch này rất khó khăn.

Các nước EU không sử dụng đồng euro, như Anh hay Ba Lan, có thể quyết định có tham gia cơ chế này hay không.

Hiện Đức vẫn có ý hoài nghi về tính tương thích của cơ chế này đối với các hiệp định hiện hành của EU. Trong khi đó, Uỷ viên phụ trách Thị trường nội địa của EU, Michel Barnier khẳng định cơ chế này không chỉ giúp củng cố hệ thống ngân hàng và sự ổn định tài chính của Eurozone, mà còn tăng cường sự hội nhập kinh tế ở khu vực./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục