ESCAP dự báo năm 2015 lạm phát ở Việt Nam giảm xuống mức 2,5%

Báo cáo của ESCAP dự báo trong 2015 và 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% nhờ vào xuất khẩu và đầu tư, cũng như khả năng phục hồi tương đối sức mua của hộ gia đình.
ESCAP dự báo năm 2015 lạm phát ở Việt Nam giảm xuống mức 2,5% ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo khảo sát kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2015.

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, Báo cáo của ESCAP dự báo trong năm 2015 và năm 2016, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% nhờ vào xuất khẩu và đầu tư, cũng như khả năng phục hồi tương đối sức mua của hộ gia đình và các ngành kinh tế định hướng phục vụ nhu cầu trong nước.

Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số năm 2011 xuống 4,1% trong năm 2014 và được trông đợi sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống mức 2,5% năm 2015.

Đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiến sỹ Albert Isgut - phụ trách Phòng Chính sách phát triển, Vụ Phát triển và Chính sách vĩ mô, Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục hòa nhập tốt vào bối cảnh toàn cầu nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chỉ tăng chút ít, lên mức 5,9% trong năm 2015 (so với mức 5,8% trong năm 2014), đồng thời dự kiến không có thay đổi đáng kể trong năm 2016.

Tỷ lệ lạm phát cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, nguyên nhân chủ yếu do giá dầu trên thế giới thấp, điều này đã dẫn đến việc cắt giảm lãi suất trong nhiều nền kinh tế của khu vực.

Báo cáo của Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc đưa ra khuyến nghị cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đó là việc áp dụng một tập hợp với 15 chỉ số của các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường phát triển nhằm đánh giá toàn diện hơn về mức độ của tăng trưởng bao trùm; khuyến cáo các quốc gia phải có quan điểm chính sách kinh tế rõ ràng và chủ động.

Chi tiêu công nên được tập trung nhiều hơn cho sự phát triển theo định hướng, đặc biệt là tăng cường tiếp cận với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe, cũng như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, tiếp tục tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo.

Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần phải đạt được sự tiến bộ trong việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bằng cách mở rộng tiếp cận đối với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc ủng hộ các quốc gia thúc đẩy bình đẳng về cơ hội và các thúc đẩy tạo việc làm thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công nghiệp hóa nông thôn, với việc khu vực tư nhân tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện hơn.

Giám đốc Điều hành của Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ các nước châu Á-Thái Bình Dương tập trung huy động nguồn lực trong nước, quan trọng hơn đó khai thác nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển bền vững, đặc biệt đối với cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và tài trợ xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục