Estonia đưa ra đề xuất mới về hạn ngạch phân bổ người tị nạn của EU

Estonia, nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp về việc phân bổ lại hạn ngạch người di cư mà theo nước này là "công bằng" cho tất cả các nước thành viên.
Estonia đưa ra đề xuất mới về hạn ngạch phân bổ người tị nạn của EU ảnh 1Người nhập cư trên thuyền vào châu Âu. (Nguồn: guardian.co.tt)

Ngày 29/11, Estonia, quốc gia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp về việc phân bổ lại hạn ngạch người di cư mà theo nước này là "công bằng" cho tất cả các nước thành viên EU vốn đang chia rẽ sâu sắc trong vấn đề giải quyết dòng người tị nạn đổ về "lục địa già." 

Đề xuất trên được đưa ra tại một cuộc họp tại Brussels, Bỉ với sự tham gia của 28 đại sứ của các quốc gia thành viên EU, nhằm mục đích điều chỉnh chương trình phân bổ người di cư trong EU, đã bị đình trệ trước đó do các nước như Ba Lan và Hungary từ chối tiếp nhận bất kỳ người xin tị nạn nào được phân bổ theo chương trình.


[Hội nghị thượng đỉnh EU-AU: "Nóng" vấn đề buôn bán nô lệ nhập cư]

Theo các nguồn tin ngoại giao, Estonia đề xuất xây dựng một "hệ thống cảnh báo sớm", theo đó Ủy ban châu Âu (EC) có thể đưa ra cảnh báo khi xảy ra tình trạng gia tăng một cách thiếu cân đối lượng đơn xin tị nạn ở một số quốc gia EU. Sau đó, EC sẽ đề xuất về mức độ tài chính thống nhất mang tính tương trợ giữa các quốc gia thành viên, song các nước EU được yêu cầu tiếp nhận một số lượng nhất định người xin tị nạn từ các nước đang bị quá tải, và các nước EU được quyền tự quyết định trên cơ sở tự nguyện.

Bước thứ hai này sẽ được áp dụng trong trường hợp tình trạng di cư đến một nước EU được coi là "khủng hoảng", trên cơ sở quốc gia đó phải chịu "áp lực di cư" quá mức so với năng lực kinh tế và dân số của mình.

Theo đề xuất của Estonia, việc chuyển người xin tị nạn từ một nước EU này sang nước khác vẫn phải phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai nước đó.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi một "cơ chế vĩnh viễn và tự động" để tái phân bổ người tị nạn nhằm thay thế Hiệp ước Dublin, vốn có hiệu lực từ năm 1997. Theo Hiệp ước Dublin, các quốc gia thành viên EU mà người di cư đặt chân tới đầu tiên sẽ phải có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn của họ, song điều này lại gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia được coi là “cửa ngõ” để người di cư vào châu Âu như Italy, Hy Lạp.

Tháng 9/2015, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trầm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư, theo đó trong vòng 2 năm sẽ tái định cư cho 160.000 người tị nạn đang ở các nước "tuyến đầu" như Hy Lạp, Italy tới các nước thành viên khác trong khối. Kế hoạch phân bổ hạn ngạch này là bắt buộc đối với toàn bộ 28 nước thành viên EU. Tuy nhiên, sau 2 năm, mới chỉ có khoảng 1/5 trong số này được đưa từ Hy Lạp và Italy sang các nước thành viên khác do nhiều nước Đông Âu phản đối kế hoạch trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục