Ethiopia, Ai Cập tìm cách giải quyết bất đồng về đập Đại Phục hưng

Các quan chức Ai Cập đã thảo luận với các đối tác Sudan và Ethiopia những diễn biến mới trong cuộc đàm phán liên quan đập Đại Phục hưng và cách thức giải quyết những bất đồng.
Ethiopia, Ai Cập tìm cách giải quyết bất đồng về đập Đại Phục hưng ảnh 1Công trường xây dựng Đập thủy điện Đại phục hưng trên sông Nile. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/5, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã gặp Ngoại trưởng Ai Cập Samed Shoukry và người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ai Cập Abbas Kamel bên lề cuộc hội đàm 3 bên giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia về đập Đại Phục hưng được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết trong cuộc họp, Thủ tướng Ahmed đã khẳng định cam kết thúc đẩy và phát triển quan hệ với Ai Cập vì lợi ích của người dân 2 nước.

Các quan chức Ai Cập đã thảo luận với các đối tác Sudan và Ethiopia những diễn biến mới trong cuộc đàm phán liên quan đập Đại Phục hưng và cách thức giải quyết những bất đồng.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng khẳng định sẽ mời Thủ tướng Ahmed thăm chính thức Cairo trong thời gian sớm nhất.

Đập Đại Phục hưng được Ethiopia bắt đầu khởi công vào tháng 4/2011 với tổng số vốn đầu tư 4,7 tỷ USD huy động hoàn toàn từ trong nước. Đập Đại Phục hưng dự kiến sẽ bao gồm một hồ chứa có dung tích 74 tỷ m3 nước sau khi hoàn thành.

[Ai Cập sẵn sàng giải quyết bất đồng kéo dài về đập Đại phục hưng]

Được xây dựng trên nhánh sông Nile Xanh, cách biên giới với Sudan 40 km, đập thủy điện này được đánh giá là dự án mang tính bước ngoặt, đánh dấu “sự phục hưng” của Ethiopia nói chung và nền kinh tế nước này nói riêng khi giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.

Ai Cập và Ethiopia vẫn đang bất đồng về dự án xây dựng Đập Đại phục hưng khi Cairo quan ngại dự án này sẽ hạn chế nguồn nước chảy từ cao nguyên của Ethiopia xuống hạ nguồn.

Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án GERD trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011. Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc.

Đất nước "Kim tự tháp" đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của khoảng 100 triệu dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục