Ethiopia: Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 32

Chương trình nghị sự hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh AU lần này bao gồm các vấn đề liên quan tới người tị nạn và tha hương bắt buộc, cũng như cuộc cải cách đang diễn ra của AU.
Ethiopia: Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 32 ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 32. (Nguồn: AP)

Ngày 10/2, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 32 đã khai mạc tại trụ sở của AU ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Theo kế hoạch, hội nghị diễn ra trong hai ngày với chủ đề "Người tị nạn, người hồi hương và người tha hương, hướng tới giải pháp bền vững cho vấn đề di tản ở châu Phi."

Chương trình nghị sự hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh AU lần này bao gồm các vấn đề liên quan tới người tị nạn và tha hương bắt buộc, cũng như cuộc cải cách đang diễn ra của AU, hòa bình và an ninh trong khu vực.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban AU, ông Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi các nước thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt được những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại tự do lục địa, hòa bình và an ninh, cải cách thể chế và tài chính trong AU.

[Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Làn gió hy vọng đang thổi tới châu Phi]

Trong khi đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết lục địa châu Phi là nơi tiếp nhận gần 1/3 số người tị nạn và người tha hương trên thế giới mặc dù lục địa này đang đối mặt với những thách thức về xã hội, kinh tế và an ninh.

Ông Guterres nhấn mạnh: "Các chính phủ và người dân châu Phi đã mở cửa biên giới cũng như mở trái tim mình cho hàng triệu người đang gặp khó khăn."

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh châu Phi đã "đặt ra tiêu chuẩn vàng" cho tình đoàn kết, là nguồn cảm hứng để thế giới hướng tới tìm ra các giải pháp bền vững cho vấn đề người di tản bắt buộc.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khu vực cận Sahara của châu Phi hiện tiếp nhận hơn 26% trong tổng số người di cư thế giới. Con số này gia tăng trong những năm gần đây do cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Nam Sudan cũng như các cuộc xung đột mới bùng phát tại Burundi và Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục