EU cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về kinh tế ngày 1/3 tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chống các hình thức bảo hộ mậu dịch trên thị trường chung của khối.

Trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về kinh tế ngày 1/3 tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chống các hình thức bảo hộ mậu dịch trên thị trường chung của khối.

Thông điệp mạnh mẽ này được EU đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu, đặc biệt sau khi Pháp công bố những khoản viện trợ lớn cho ngành chế tạo ôtô trong nước.

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bác bỏ những cáo buộc rằng việc nước này "rót tiền" cho ngành ôtô là hình thức bảo hộ. Ông cho rằng kế hoạch này nằm trong các biện pháp kích thích kinh tế, giúp các nhà máy sản xuất ôtô không bị đóng cửa và do vậy, hàng chục nghìn công nhân trong ngành này không bị đẩy ra đường trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan hiện nay do khủng hoảng tài chính. Kế hoạch này cũng đã được Ủy ban châu Âu (EC) công nhận không phải hình thức bảo hộ.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng nỗ lực chống bảo hộ mậu dịch không chỉ là vấn đề ở châu Âu mà nên được xem là trọng tâm của cuộc chiến toàn cầu chống khủng hoảng kinh tế. Ông cho biết sẽ đưa ra ý tưởng về một "thỏa thuận lớn toàn cầu" để cứu nền kinh tế thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển và đang nổi lên (G20) do Anh chủ trì tại London ngày 2/4 tới.

Nội dung "thỏa thuận lớn toàn cầu" ngoài việc đề cao sự cần thiết phải loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ, còn bao gồm những tiêu chuẩn điều chỉnh mới cho các thị trường tài chính và sự giám sát xuyên biên giới đối với các thể chế tài chính. Ngày 2/3, ông Brown lên đường sang Washington để thuyết phục Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ ý tưởng này.

Ông Brown cũng cho biết tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ đề xuất cung cấp ít nhất 500 tỉ euro (630 tỉ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đối phó với khủng hoảng.

Nhằm tháo gỡ bế tắc về nguồn tín dụng cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn và thống nhất cách đối phó với khủng hoảng tài chính, các nước EU đã nhất trí ủng hộ cách xử lý đối với tài sản xấu ở các ngân hàng, được EC đưa ra tuần trước. EU còn ủng hộ đề nghị của các chuyên gia kinh tế về thành lập 2 cơ quan mới để tăng cường giám sát các thể chế tài chính châu Âu.

Dù bác bỏ kế hoạch viện trợ đặc biệt giúp các nước Đông Âu đang lún sâu vào suy thoái kinh tế, EU cam kết sẽ vẫn hỗ trợ những nước này trong trường hợp cần thiết. EU cam kết không để hình thành "bức màn sắt mới" ngăn cách giữa các nước nghèo ở Đông Âu với những nước giàu ở phía Tây.

Lãnh đạo 27 nước EU sẽ họp lại vào ngày 19/3 tới và hy vọng quan điểm thống nhất nói trên về chống bảo hộ mậu dịch sẽ trở thành thông điệp mạnh mẽ chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục