EU cân nhắc các biện pháp trừng phạt các ngân hàng của Israel

EU có thể sẽ áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn nhằm vào nền kinh tế Israel sau khi xúc tiến triển khai quyết định gắn mác cho những sản phẩm của Israel.
EU cân nhắc các biện pháp trừng phạt các ngân hàng của Israel ảnh 1Toàn cảnh Khu định cư Do Thái tại khu vực Har Homa ngày 25/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn nhằm vào nền kinh tế Israel sau khi​ xúc tiến triển khai quyết định gắn mác cho những sản phẩm của Israel được sản xuất tại các khu định cư ở Judea và Samaria trong tuần này.

Trong một báo cáo tựa đề: "Sự phân biệt của EU và các khu định cư Israel" được công bố ngày 22/7, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại EU (ECFR) nói rằng EU đã vi phạm luật của chính tổ chức này và cần phải thực hiện các bước đi cứng rắn hơn nhằm tách bạch các giao dịch với Israel từ "các khu định cư Do Thái" ở Judea và Samaria.

Báo cáo đồng thời kêu gọi EU rà soát các giao dịch giữa các ngân hàng châu Âu với các ngân hàng của Israel, đặc biệt là những vấn đề như các khoản vay và thế chấp nhằm đảm bảo "những giao dịch này đáp ứng các yêu cầu của EU không cung cấp sự hỗ trợ vật chất cho hành động chiếm đóng."

Báo cáo của ECFR cũng nêu lên vấn đề liệu EU có nên chấp nhận các chứng chỉ bằng cấp từ các cơ sở học thuật đặt tại Judea và Samaria cũng như các thiết chế chính quyền của Israel đặt tại Đông Jerusalem hay không.

​Trong khi đó, ngày 22/7, Israel và Canada đã hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (CIFTA) mở rộng nhằm giảm bớt hoặc xóa bỏ các loại thuế quan của Israel đánh vào một loạt sản phẩm, đồng thời cho phép doanh nghiệp hai bên được tiếp cận nhiều hơn các khu vực nông nghiệp và thủy sản của nhau.

Theo thỏa thuận, Israel sẽ chỉ áp dụng hạn ngạch đối với một số mặt hàng nhất định, trong khi Canada nhất trí tăng hạn ngạch đối với các "sản phẩm bị quản lý nguồn cung" như sữa, gia cầm, trứng, nhưng sẽ không xóa bỏ thuế quan đối với những mặt hàng này.

Hai nước sẽ phải thực hiện quá trình rà soát về mặt pháp lý đối với văn bản CIFTA nhằm đảm bảo sự rõ ràng, chính xác và nhất quán. Khi quá trình này hoàn tất, văn bản được nhất trí cuối cùng sẽ được chuẩn bị để hai bên kí chính thức.

Kể từ khi CIFTA được đưa vào thực hiện năm 1997, thương mại hai chiều giữa Israel và Canada đã tăng gấp ba lần, đạt khoảng 1,2 tỷ USD năm 2014. Hiệp định thương mại song phương đầu tiên giữa hai nước xóa bỏ tất cả các loại thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp cũng như thủy sản.

Đến năm 2003, hai bên nhất trí tiếp tục giảm thêm thuế đối với một số sản phẩm nông nghiệp và thủy sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục