EU cảnh báo trừng phạt Ba Lan liên quan vấn đề cải cách tư pháp

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho rằng hoạt động cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan sẽ khiến hệ thống tư pháp mất đi tính độc lập và chịu sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ.
EU cảnh báo trừng phạt Ba Lan liên quan vấn đề cải cách tư pháp ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/7, Liên minh châu Âu (EU) khuyến cáo Chính phủ Ba Lan phải đình chỉ kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp gây tranh cãi mà nước này đang triển khai, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của EU.

Phát biểu sau một hội nghị cấp cao của EU diễn ở Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho rằng hoạt động cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan sẽ khiến hệ thống tư pháp mất đi tính độc lập và chịu sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ.

Theo ông Timmermans, EU có thể họp trong tuần tới để đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Ba Lan. Đại diện EU cũng để ngỏ khả năng sẽ xem xét tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong tổ chức 28 thành viên này, một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ba Lan chỉ trích phản ứng của EU là vội vàng và không có cơ sở vì quá trình luật hóa vẫn đang diễn ra. Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Ba Lan TVP Info, người đứng đầu đảng Luật pháp và Công lý (PiS) Jaroslaw Kaczynski cho rằng phản ứng của EU là mang động cơ chính trị và EU không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan, vì cải cách tư pháp là vấn đề liên quan tăng cường năng lực nhà nước.

[Biểu tình lớn phản đối cải cách hệ thống tư pháp ở Ba Lan]

Tuần trước, Hạ viện Ba Lan đã thông qua các dự luật do chính phủ của đảng PiS đệ trình nhằm cải cách hệ thống tư pháp của nước này, trong đó có hai dự luật gây tranh cãi.

Dự luật thứ nhất trao quyền cho Hạ viện lựa chọn các thành viên Hội đồng Tư pháp quốc gia, cơ quan có có nhiệm vụ giám sát việc bổ nhiệm các thẩm phán nhằm đảm bảo tính độc lập của tòa án.

Dự luật thứ 2 trao quyền cho Bộ trưởng Tư pháp lựa chọn người đứng đầu các cơ quan trực thuộc tòa án tối cao. Hiện các dự luật này đang chờ tổng thống ký ban hành để chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 18/7 cho biết sẽ không phê chuẩn các dự luật cải cách hệ thống tư pháp nếu các nghị sỹ không sửa đổi luật hội đồng tư pháp để đảm bảo rằng đảng PiS không chi phối ảnh hưởng đối với các thành viên của hội đồng này.

Quan hệ giữa EU với Ba Lan luôn căng thẳng thời gian qua lên, nhất là sau vụ EU bầu ông Donald Tusk làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bất chấp sự phản đối của Ba Lan. EU cũng đã kiện Ba Lan liên quan tới một số vấn đề, như người di cư hay khai thác gỗ.

Đầu năm 2016, EU từng cảnh báo Ba Lan về vấn đề cải cách tòa án hiến pháp, sau khi PiS giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục