Nhiều ý kiến trái chiều

EU có nhiều ý kiến trái chiều về cơ cấu Eurozone

Giới chức EU đang có nhiều ý kiến trái chiều về cơ cấu Khu vực đồng euro hiện bị đe dọa tồn tại bởi cuộc khủng hoảng nợ công.
Nhiều ý kiến trái chiều về cơ cấu Khu vực đồng euro đang tồn tại trong Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch thường trực EU, Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso ngày 9/11 tuyên bố tổ chức này kiên quyết duy trì sự ổn định cho khu vực đồng tiền chung châu Âu với 17 thành viên. Trong khi đó, Pháp và Đức đang thảo luận kế hoạch cải tổ triệt để EU, bao gồm việc thiết lập một Khu vực đồng euro liên kết chặt chẽ hơn và nhỏ hơn.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Zurich, Thụy Sĩ với Tổng thống nước chủ nhà Micheline Calmy-Rey, ông Van Rompuy khẳng định EU quyết tâm đảm bảo sự ổn định về tài chính cho Khu vực đồng ơrô vì điều này có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế thế giới. Trong bài diễn văn sau đó tại trường Đại học tổng hợp Zurich, ông Van Rompuy cũng nhấn mạnh mục đích chính của EU là duy trì Khu vực đồng euro với 17 nước thành viên và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.

Tại Berlin, Đức, ông Barroso cho rằng EU và Khu vực đồng euro thuộc về nhau và không nên bị chia cắt. Ông thừa nhận khu vực này cần hội nhập sâu hơn, nhưng không được tạo ra sự chia tách với những nước chưa phải là thành viên. Ông nhấn mạnh lãnh đạo EU không đặt mục tiêu duy trì nguyên trạng, mà muốn hướng tới một EU mới, tốt đẹp hơn, vì thế tổ chức này phải là một liên minh ổn định và đoàn kết.

Một quan chức cấp cao EU yêu cầu giấu tên cho biết trong vài tháng qua, Pháp và Đức đã thảo luận tích cực ở tất cả các cấp về vấn đề cơ cấu mới của Khu vực đồng euro. Quan chức này nhấn mạnh EU sẽ hành động một cách rất thận trọng, nhưng cần đưa ra một danh sách những nước không muốn ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu và những nước không thể tham gia "câu lạc bộ" này.

Các cuộc thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách cấp cao ở Pháp, Đức và Bỉ đi xa hơn khi đề nghị một số nước thành viên rút khỏi Khu vực đồng euro, trong khi những nước nòng cốt còn lại thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm lĩnh vực thuế và chính sách tài chính.

Các cuộc thảo luận mới đây nhất còn đề nghị đánh giá lại một cách căn bản hơn dự án đồng tiền chung, chẳng hạn nước nào và chính sách nào cần được đề cập để duy trì một đồng euro mạnh và ổn định trước khi khủng hoảng nợ công "giết chết" đồng tiền này. Mục đích của đề xuất này là nhằm định hình lại Khu vực đồng euro theo những nguyên tắc ra đời là các nước mạnh và hội nhập về kinh tế dùng chung một đồng tiền.

Trong bài phát biểu trước các sinh viên ở thành phố Strasbourg, Pháp, Tổng thống nước này Nicolas Sarkozy đã bày tỏ quan điểm muốn duy trì một "châu Âu 2 tốc độ," hàm ý một Khu vực đồng euro phát triển nhanh hơn một EU 27 thành viên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc lại tại Đức rằng cần thay đổi Hiệp ước EU do tình hình hiện nay quá bi đát, đòi hỏi phải có sự đột phá.

Theo các quan chức châu Âu, vấn đề thay đổi Hiệp ước EU sẽ được đề cập tại một hội nghị cấp cao EU ở Brussels, Bỉ vào ngày 9/12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục