EU công bố chiến lược số hóa nhằm cạnh tranh với các công ty Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố mở "mặt trận mới" trong cuộc chiến với các công ty Internet như Amazon và Google.
EU công bố chiến lược số hóa nhằm cạnh tranh với các công ty Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: azscience.org)

Ngày 6/5, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố mở "mặt trận mới" trong cuộc chiến với các công ty Internet như Amazon và Google, coi đây là một phần trong chiến lược thị trường số hóa mới nhằm đưa EU trở nên cạnh tranh hơn trước các đối thủ toàn cầu trên lĩnh vực này.

Chiến lược được xây dựng trên ba trụ cột chính là khách hàng và các doanh nghiệp được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ và hàng hóa kỹ thuật số trên toàn EU, tạo điều kiện và môi trường phù hợp cho các mạng lưới kỹ thuật số và dịch vụ công nghệ phát triển; tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng của ngành kinh tế kỹ thuật số.

EU chính thức mở cuộc điều tra chống độc quyền trong lĩnh vực mua sắm trên mạng (online) ở EU, trong bối cảnh lo ngại rằng các công ty Mỹ nêu trên đang "bóp méo" thị trường chung của khối với 28 thành viên này.

Cuộc điều tra mới này là mũi nhọn trong chiến lược thị trường số hóa do Ủy ban châu Âu (EC) công bố nhằm dỡ bỏ những rào cản xuyên biên giới mà nhiều khách hàng phải hứng chịu mỗi khi mua bán online.

Dự kiến báo cáo điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào giữa năm 2016, và báo cáo cuối cùng sẽ có vào cuối tháng 3/2017.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chiến lược số hóa, Guenther Oettinger cho biết việc tạo ra một chiến lược số hóa mới cho EU là đặc biệt quan trọng nhằm theo kịp nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Phó Chủ tịch EC Andrus Ansip, một phần quan trọng trong chiến lược mới này sẽ giải quyết tình trạng "geoblocking," ứng dụng mà nhờ đó các công ty dùng để chặn khách hàng mua bán online tìm kiếm những trang giá rẻ hơn ở nước ngoài, đặc biệt đối với các dịch vụ như thuê xe hoặc du lịch, thậm chí ngăn cản khách sử dụng dịch vụ truyền thông như Netflix và BBC iPlayer khi đi du lịch.

Ngoài ra, chiến lược mới của EU cũng nhằm giải quyết những vấn đề như bản quyền, đánh cắp trên Internet và nội dung xuyên tạc bất hợp pháp, sử dụng dữ liệu cá nhân và giá cả giao hàng từ nước này sang nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục