EU điều tra cuộc xung đột Nga-Gruzia

Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12 đã chính thức lập một phái đoàn nhằm điều tra nguyên nhân cuộc xung đột quân sự Nga-Gruzia, sau khi sứ mệnh của phái đoàn được các bộ trưởng tài chính EU chấp thuận tại cuộc họp cùng ngày ở Brussels, Bỉ.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12 đã chính thức lập một phái đoàn nhằm điều tra nguyên nhân cuộc xung đột quân sự Nga-Gruzia, sau khi sứ mệnh của phái đoàn được các bộ trưởng tài chính EU chấp thuận tại cuộc họp cùng ngày ở Brussels, Bỉ.

Trước đó, kế hoạch này đã được EU thông qua ở cấp đại sứ.

Văn bản cuộc họp cho biết cựu đặc sứ của Liên hợp quốc tại Gruzia, bà Heidi Tagliavini được chỉ định là người đứng đầu phái đoàn và được quyền tuyển chọn 10 chuyên gia bao gồm các nhà sử học, quân sự, luật gia và chuyên gia về quyền lợi, cùng làm việc.

Phái đoàn có nhiệm vụ xem xét nguồn gốc và diễn biến xung đột với thời hạn 8 tháng, kết thúc vào ngày 31/7/2009. Tuy nhiên, thời hạn này có thể được kéo dài nếu cần thiết. Sau khi cuộc điều tra kết thúc, bà Tagliavini sẽ gửi kết quả điều tra đến các bên liên quan là Nga và Gruzia, cũng như đến các nước thành viên EU và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Một người phát ngôn của Chủ tịch EU cho biết Nga ủng hộ cuộc điều tra này.

Cuộc xung đột Nga-Gruzia nổ ra đầu tháng 8 vừa qua sau khi Tbilisi dùng vũ lực đàn áp người gốc Nga sinh sống tại các khu vực tự trị Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia, buộc Mátxcơva đưa quân vào Gruzia để bảo vệ người gốc Nga sinh sống tại đây.

Xung đột đã chấm dứt nhờ thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Gruzia do Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, môi giới. EU sau đó đã cử 300 quan sát viên đến Gruzia giám sát việc thực thi thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục