Giảm viện trợ phát triển

EU dự định giảm hơn 12 tỷ USD viện trợ phát triển

Bản dự thảo ngân sách mới nhất của EU cho giai đoạn 2014-2020 đã đề xuất việc giảm 9,6 tỷ euro (12,3 tỷ USD) cho các dự án viện trợ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jose Manuel Barroso, ngày 21/11 nói rằng Liên minh châu Âu (EU) nên thận trọng để không bị tách biệt với thế giới phát triển trong trường hợp khối này quyết định giảm khoảng 10% viện trợ phát triển trong ngân sách giai đoạn mới.

Ông cũng lưu ý rằng chỉ một tỷ lệ cắt giảm viện trợ nhân đạo nhỏ cũng có thể là vấn đề sinh tử đối với những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Bản dự thảo ngân sách mới nhất của EU cho giai đoạn 2014-2020 đã đề xuất việc giảm khoản chi 9,6 tỷ euro (12,3 tỷ USD) dành cho các dự án viện trợ, đồng thời dự tính cắt giảm 11% Quỹ Phát triển châu Âu (EDF). Quỹ này thường được dùng để hỗ trợ các nước thu nhập thấp ở châu Phi, vùng Caribe và Thái Bình Dương; nhiều nước trong số này trước đây là thuộc địa của châu Âu.

Ông Barroso có thể là tiếng nói duy nhất phản đối mạnh mẽ đề xuất cắt giảm viện trợ phát triển, khiến ông đứng về phía đối lập với bản dự thảo ngân sách EU nói trên (do Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, phác thảo).

Một quan chức EU cho hay ông Barroso đã nhấn mạnh trên quan điểm cá nhân việc bảo vệ khoản chi ngân sách cho viện trợ, vốn là một trong những công cụ chủ yếu của EU trong việc sử dụng "quyền lực mềm" tại những "góc xa xôi" của thế giới.

Vào thời điểm hiện tại, ngay cả những nước ủng hộ viện trợ phát triển mạnh mẽ như Đan Mạch và Pháp, cũng chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Các nhà ngoại giao của EU cho rằng hiện khó có thể đoán biết được làm thế nào để duy trì toàn bộ số tiền viện trợ vào giai đoạn muộn mặn hiện nay của các cuộc thương thảo ngân sách.

Các tổ chức phi chính phủ, như Oxfam, ONE, Plan International và Concord, nói rằng các đề xuất cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến viện trợ nặng nề hơn so với lĩnh vực khác (xét về tỷ lệ).

Natalia Alonso, người đứng đầu văn phòng tại EU của Oxfam, nói rằng việc cắt giảm khoảng 10% viện trợ cho những nước nghèo nhất thế giới gây tổn thương cho những người nghèo trên thế giới.

Báo cáo của Viện Phát triển Nước ngoài công bố tuần trước cho hay viện trợ của EU cũng mang lại lợi ích kinh tế cho các nước thành viên. Những người nộp thuế của châu Âu sẽ kiếm được khoản lợi nhuận 20% từ các đầu tư của mình./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục