EU e ngại về cơ hội thỏa thuận với Hy Lạp sau trưng cầu dân ý

Kết quả đa số người dân Hy Lạp nói "Không" với các biện pháp kinh tế khắc khổ khiến đàm phán giữa nước này và EU ngày càng thêm khó khăn.
EU e ngại về cơ hội thỏa thuận với Hy Lạp sau trưng cầu dân ý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Kết quả đa số người dân Hy Lạp nói "Không" với các biện pháp kinh tế khắc khổ đã không đưa nước này và Liên minh châu Âu (EU) đến gần hơn với "một giải pháp" về tình hình tài chính của Athens.

Đó là tuyên bố ngày 6/7 của Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem, người còn là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan.

Ông Dijsselbloem đánh giá kết quả này đã khiến đàm phán giữa hai bên càng thêm khó khăn hơn khi EU vẫn cho rằng biện pháp kinh tế khắc khổ chính là con đường đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng.

Ông cũng khẳng định dù kết quả trưng cầu dân ý phản đối biện pháp "thắt lưng buộc bụng", tới đây Hy Lạp vẫn sẽ phải tiến hành những cải cách cơ cấu. Theo lời ông, EU đang chờ những đề xuất mới từ phía Hy Lạp về kế hoạch tái cơ cấu nợ.

Trong một tuyên bố khác, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp không đe dọa sự ổn định trong Eurozone.

Theo ông, các định chế của châu Âu bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ chế bình ổn châu Âu (trị giá 500 tỷ euro) sẽ sử dụng tất cả các công cụ cần thiết để đảm bảo cho sự ổn định này.

Trong lúc này, các nước tiếp tục đưa ra những phát biểu khác nhau về tương lai của Xứ sở Thần thoại. Người đứng đầu Bộ Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos tuyên bố Madrid muốn Athens ở lại Eurozone và sẵn sàng đàm phán về một chương trình cứu trợ mới.

Đã từng phải nhận chương trình cứu trợ do khủng hoảng và chỉ thoát được vào năm 2013, Madrid cho rằng phần lỗi trong thất bại kinh tế của Hy Lạp nằm ở phía bộ ba chủ nợ, song cải cách là việc Athens phải làm nếu muốn thoát khỏi khủng hoảng.

Về phần mình, Thủ tướng Italy Matteo Renzi kêu gọi đàm phán giải quyết nợ của Hy Lạp không chỉ nên tập trung vào các biện pháp kinh tế "khổ hạnh", mà còn phải chú ý đến chiến lược để tạo tăng trưởng. Ông cũng hy vọng cuộc gặp ngày 7/7 của Eurogroup tại Brussels (Bỉ) sẽ tìm ra được con đường chắc chắn để giải quyết vấn đề cho Hy Lạp.

Trong ngày 6/7 cũng đã diễn ra cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó người đứng đầu nước Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Hy Lạp trong nỗ lực vượt qua khó khăn.

Trong diễn biến mới nhất, nguồn tin của hãng AFP trong Chính phủ Hy Lạp cho biết ông Tsipras đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Đức Angela Merkel sẽ đệ trình các đề xuất mới vào ngày 7/7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Eurogroup.

Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định hiện không có cơ sở để bước vào đàm phán cho một chương trình cứu trợ mới với Hy Lạp sau khi người dân nước này nói "Không" với kế hoạch cải cách và khắc khổ của các chủ nợ quốc tế.

Theo tổ chức đánh giá tín dụng Standart & Poor's, khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone lúc này là "rất có thể" so với khả năng ở lại trong khối.

Hiện cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp chưa có tác động trực tiếp nào tới việc đánh giá mức tín nhiệm tín dụng tại các quốc gia Đông Nam Âu như Bulgaria, Albania hay Macedonia.

Trong khi đó, theo các nguồn thạo tin, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể vẫn duy trì chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục