EU không còn là "cái bóng" của Mỹ

Hình ảnh Liên minh châu Âu (EU) chủ động, tự tin đảm nhận vai trò nhà trung gian hòa giải cuộc chiến năm ngày Nga/Gruzia hồi tháng Tám vừa qua, cũng như đi tiên phong trong việc tìm kiếm các giải pháp đối phó với "cơn bão" khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang "càn quét" khắp thế giới, dường như đã mang lại một diện mạo mới cho tổ chức vốn trước đây thường bị coi là luôn "nấp" dưới cái bóng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Hình ảnh Liên minh châu Âu (EU) chủ động, tự tin đảm nhận vai trò nhà trung gian hòa giải cuộc chiến năm ngày Nga/Gruzia hồi tháng Tám vừa qua, cũng như đi tiên phong trong việc tìm kiếm các giải pháp đối phó với "cơn bão" khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang "càn quét" khắp thế giới, dường như đã mang lại một diện mạo mới cho tổ chức vốn trước đây thường bị coi là luôn "nấp" dưới cái bóng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
 
Phải thừa nhận rằng người có công lớn mang lại nguồn sinh khí mới cho "lục địa già" là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2008.
 
Pháp chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU ngày 1/7/2008, trong bối cảnh cử tri Ireland đã nói "không" với Hiệp ước Lisbon, người dân EU ngày càng ít tin tưởng vào mô hình khối, còn bản thân người dân Pháp cho rằng Tổng thống Sarkozy chẳng thể làm nên "trò trống" gì trong nhiệm kỳ này.
 
Trước những thách thức đó, cuộc chiến Nga/Gruzia nổ ra, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đã tạo điều kiện cho ông Sarkozy thể hiện khả năng chính trị "thiên bẩm" của mình. Khi cuộc chiến Nga/Gruzia đang ở thời điểm hết sức căng thẳng và có dấu hiệu ngày càng leo thang, Tổng thống Sarkozy, trên cương vị Chủ tịch EU, đã chủ động bay đến Mátxcơva trong vai trò nhà trung gian hòa giải để thuyết phục ban lãnh đạo Nga về một thỏa thuận hòa bình 6 điểm mang tên Medvedev/Sarcozy, được các bên liên quan chấp thuận.
 
Với nỗ lực ngoại giao con thoi không mệt mỏi của mình, ông Sarkozy đã thành công trong việc làm "nguội" cái đầu "nóng" của cả Mátxcơva lẫn Tbilisi. Lần đầu tiên trong các vấn đề liên quan đến khu vực châu Âu, EU đã có một tiếng nói trọng lượng như vậy, trong khi Mỹ, nước luôn hỗ trợ bằng lời nói cho Gruzia, đã không có một vai trò nào trong việc hòa giải các bên.
 
Thành công này không chỉ giúp cải thiện vai trò và vị trí của EU trên trường quốc tế, mà còn là câu trả lời xác đáng nhất cho những chỉ trích rằng EU luôn "nấp" dưới cái bóng của Washington trong các vấn đề quốc tế, như trường hợp NATO tấn công Nam Tư năm 1999 và vấn đề Kosovo.
 
Chưa kịp “tận hưởng” hết thành quả trong việc ngăn ngừa thành công cuộc chiến có nguy cơ lan rộng ra cả khu vực
Kavkaz, EU, dưới sự chèo lái của ông Sarkozy, lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ.
 
Trong khi Mỹ chỉ chăm chăm tìm cách cứu nguy hệ thống ngân hàng của mình và khăng khăng bảo vệ những nguyên tắc tài chính tư bản vốn được vận hành từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, thì Tổng thống Sarkozy lại cho rằng cần phải cải cách triệt để hệ thống tài chính quốc tế hiện hành. Xuất phát từ ý tưởng đó, ông Sarkozy đã đề nghị Liên hợp quốc triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới để thảo luận việc tái xây dựng một "chủ nghĩa tư bản điều chỉnh", dựa trên những giá trị đạo đức, quy định và giám sát hiệu quả cho tất cả các hoạt động tài chính thế giới.
 
EU đã lên tiếng đòi cải tổ tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ, trong đó Tổng thống Pháp đề xuất thành lập "chính phủ kinh tế châu Âu". Mặc dù, Hội nghị chống khủng hoảng của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) nhóm họp vào giữa tháng 11 vừa qua, chưa thực sự đáp ứng được mong đợi, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, những kế hoạch do châu Âu đưa ra phần nào đã giúp các nước trên thế giới, kể cả Mỹ, áp dụng vào việc xử lý tình hình tài chính rối ren của nước mình. Nói một cách khác, châu Âu, chứ không phải Mỹ, đã đi tiên phong trong nỗ lực giúp thế giới tháo gỡ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.
 
Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2008 của Pháp, dưới sự dẫn dắt của "nhạc trưởng" Sarkozy, mặc dù vẫn còn một số thiếu sót, nhưng những thành công của Pa-ri thì không thể phủ nhận. Tổng thống Sarkozy không chỉ thành công trong việc cải thiện được hình ảnh EU trên trường quốc tế, mà còn thực hiện tốt những ưu tiên đã đề ra trong nhiệm kỳ của mình.
 
Vấn đề nhập cư và qui chế tị nạn đã được thông qua. Chính sách nông nghiệp chung sau những phiên họp đầy tranh cãi cuối cùng cũng được chốt lại. Nền quốc phòng châu Âu cũng đã có những bước tiến đáng kể, góp phần khẳng định vị thế của EU trong vai trò bảo vệ an ninh khu vực và toàn cầu. Vào phút chót, EU cũng đã đi đến thỏa thuận chung về kế hoạch chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Liên minh Địa Trung Hải, mặc dù trong quá trình chuẩn bị gặp không ít khó khăn, nhưng cuối cùng cũng đã chính thức ra đời. Tương lai của Hiệp ước Lisbon đã sáng sủa hơn khi Ireland cam kết tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2009. Quan hệ với Nga, ở một mức độ nào đó, tiếp tục được cải thiện.
 
Như Tổng thống Sarkozy từng nói, mục tiêu của Pháp trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU kết thúc ngày 31/12/2008, là cố gắng chứng tỏ được rằng "thế giới cần đến một châu Âu vững mạnh và không thể có một châu Âu mạnh nếu các nước thành viên bị chia rẽ". Trên thực tế, trong 6 tháng qua, dù không tránh khỏi bất đồng, 27 nước thành viên EU đã cố gắng thống nhất quan điểm trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của khu vực và thế giới, và EU đã chứng tỏ được rằng liên minh này không còn là "cái bóng" của Washington. Ít ra, đây cũng là tiền đề để EU tiếp tục tháo gỡ những khó khăn phía trước và khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục