EU kiểm soát chặt các chỉ số tài chính tham chiếu

EC công bố kế hoạch giám sát chặt chẽ các chỉ số tham chiếu tài chính chủ chốt được sử dụng trên toàn cầu để định giá các khoản vay.
Ngày 18/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch giám sát chặt chẽ các chỉ số tham chiếu tài chính chủ chốt được sử dụng trên toàn cầu để định giá các khoản vay.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh xảy ra vụ bê bối gian lận lãi suất tham chiếu Libor được sử dụng trên toàn thế giới.

Theo kế hoạch mới, tất cả các đơn vị đưa ra những chỉ số tham chiếu phải được cấp phép và phải được giám sát ở cấp quốc gia và trong toàn EU. Chỉ số tham chiếu phải được tính toán chính xác, phản ánh giá trị thực chất của khoản tiền cho vay trên thị trường.

Các biện pháp mới không chỉ được áp dụng đối với lãi suất Libor - lãi suất liên ngân hàng London được sử dụng tham chiếu trên toàn thế giới để định ra lãi suất mà các ngân hàng cũng như doanh nghiệp và cá nhân chi trả khi vay tiền - mà với cả một loạt chỉ số tham chiếu khác được sử dụng trên các thị trường hàng hóa, năng lượng và vốn phái sinh.

Quan trọng là kế hoạch mới sẽ dẫn đến sự giám sát ở một chừng mực nào đó của trung ương đối với hệ thống mà cho đến nay chủ yếu do các ngân hàng tự điều hành và giám sát.

Tuy nhiên, kế hoạch mới không đề cập ý tưởng được đưa ra từ đầu năm nay cho rằng chỉ số Libor phải do Cơ quan Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) giám sát.

Ủy viên EU phụ trách các thị trường tài chính Michel Barnier cho rằng các chỉ số tham chiếu là nòng cốt của hệ thống tài chính, có ý nghĩa quyết định đối với thị trường, hoạt động cho vay thế chấp và tiền gửi tiết kiệm.

Ông nhấn mạnh kế hoạch mới lần đầu tiên đảm bảo tất cả các thể chế đề ra chỉ số tham chiếu tài chính phải được cấp phép và giám sát, qua đó tăng cường sự minh bạch và giải quyết các xung đột lợi ích.

Lãi suất Libor được tính toán hàng ngày, sử dụng các dữ liệu và con số của các ngân hàng về chi phí vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất Libor tác động đến việc định giá các hợp đồng trị giá hơn 300 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.

Năm 2012, các ngân hàng lớn như Barclays, Royal Bank và UBS bị phát giác đã thao túng lãi suất Libor để trục lợi, đặc biệt trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục