EU lo ngại ngân sách hụt nghiêm trọng nếu Brexit không thỏa thuận

Các nhà hoạch định chính sách của EU có thể sẽ phải chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp đối với việc ngân sách của khối bị hụt hàng tỷ euro nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.
EU lo ngại ngân sách hụt nghiêm trọng nếu Brexit không thỏa thuận ảnh 1Cờ Anh (phía trên) và cờ EU (phía dưới) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ủy viên phụ trách vấn đề ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) Gunther Oettinger cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của khối này sẽ phải chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp đối với việc ngân sách của khối bị hụt hàng tỷ euro nếu Anh rời khỏi "ngôi nhà chung," còn gọi là Brexit không thỏa thuận.

Trong tuyên bố đưa ra tại Brussels, Bỉ sau cuộc họp với các bộ trưởng EU, ông Oettinger cho biết việc Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 để lại "lỗ hổng" ngân sách của EU.

Theo ông, con số này vào khoảng vài tỷ euro trong năm 2019 và "lỗ hổng" này lớn hơn nhiều trong năm 2020. Số liệu thống kê của EU cho biết trong năm 2017, khoản đóng góp của Anh trong ngân sách EU là 5,3 tỷ euro.

Trên thực tế, đây sẽ không phải vấn đề mà EU phải quan ngại nếu thỏa thuận Brexit hồi tháng 11 giữa Anh và EU, theo đó London tiếp tục đóng góp cho ngân sách của EU trong thời kỳ quá độ Brexit cho đến hết năm 2020, được thực thi.

[Chính phủ Anh lại gặp trở ngại trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội]

Tuy nhiên, "số phận" của thỏa thuận này vẫn chờ Quốc hội Anh định đoạt vào ngày 15/1 tới. Cho đến nay, giới phân tích cảnh báo khả năng Brexit không thỏa thuận, dù chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May thể hiện quyết tâm Brexit có thỏa thuận với EU nhằm đảm bảo lợi ích của Anh, cũng như toàn khối.

Ông Oettinger nêu rõ trường hợp Anh đột ngột dừng mọi đóng góp cho ngân sách của EU sẽ khiến ngân sách bị thu hẹp trong nhiều năm tới, do đó EU cấn có biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Đây cũng sẽ là vấn đề gây căng thẳng giữa các nước thành viên còn lại trong khối, khi Áo và Hà Lan đã phản đối việc các quốc gia thành viên buộc phải tăng đóng góp cho ngân sách chung của khối.

Liên quan đến hệ quả của Brexit, Giám đốc Bộ phận triển vọng phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), Franziska Ohnsorge ngày 8/1 cảnh báo tình trạng Brexit hỗn loạn là một những mối đe dọa chính trị tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu, không những làm tổn hại kinh tế của Anh, mà còn đối với cả các nước sử dụng đồng euro trong Eurozone và các nền kinh tế láng giềng phụ thuộc vào Eurozone như Bulgaria, Grudia, và khu vực Bắc Phi.

Ông khẳng định ở thời điểm hiện tại chưa thể ước định quy mô thiệt hại của tình trạng Brexit hỗn loạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục