EU miễn cưỡng chấp thuận hoãn thực thi Hiệp ước Schengen

Liên minh châu Âu (EU) đã miễn cưỡng cho phép một số quốc gia trong khối Schengen tái kiểm soát biên giới trong 2 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
EU miễn cưỡng chấp thuận hoãn thực thi Hiệp ước Schengen ảnh 1Người di cư từ Syria tại biên giới Macedonia và Hy Lạp. (Nguồn: Reuters)

Ngày 26/1, Liên minh châu Âu (EU) đã miễn cưỡng cho phép một số quốc gia trong khối Schengen tái kiểm soát biên giới trong 2 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay. Quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban châu Âu (EC).

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Natasha Bertaud cho biết nếu tình hình không thay đổi thì việc duy trì kiểm soát nội bộ tại các quốc gia thuộc khối Schegen vì mục đích bảo vệ an ninh, trật tự xã hội là việc làm hợp lý.

Cũng theo bà Bertaud, khoản 26 của Hiệp ước Schengen cũng cho phép các quốc gia thành viên tái thiết lập hoạt động kiểm soát biên giới trong vòng tối đa là 2 năm trong những trường hợp ngoại lệ.

Các quốc gia thành viên cần thông báo tới EC trước khi nối lại hoạt động kiểm soát biên giới, nếu EC xét thấy các tiêu chí phù hợp thì mới được phép thực hiện.

Đề xuất về việc kéo dài hoạt động kiểm soát biên giới đã được đưa ra trong cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của các quốc gia thành viên khối Schegen tại Amsterdam (Hà Lan) diễn ra một ngày trước đó.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano cảnh báo rằng EU "chỉ còn vài tuần để cứu Hiệp ước Schengen" và hiệp ước này sẽ sụp đổ nếu các quốc gia trong khối tiếp tục duy trì những chính sách mang tính đơn phương và phục vụ lợi ích quốc gia hơn là mục tiêu chung.

Lời cảnh báo này được ông Alfano và nhiều chính trị gia Italy cùng chia sẻ trong những ngày này, sau khi 6 nước Đức, Áo, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Croatia tạm thời thiết lập các trạm kiểm soát biên giới để kiểm soát dòng người di cư - động thái khiến dư luận lo ngại rằng việc hoãn thực thi Hiệp ước Schengen có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần và sẽ đẩy Italy vào tình trạng nguy hiểm khi dòng người di cư bằng đường biển đổ vào Italy sẽ ở lại nước này.

Hơn 1 triệu người di cư đã tới châu Âu trong năm 2015, hầu hết trong số này đều là người tị nạn đến từ Syria, Iraq và Afghanistan, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đối với "Lục địa già."

Nhiều người lo ngại việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với các quốc gia thuộc khối Schengen sẽ là bước đầu dẫn đến sự sụp đổ của khối này, một trong những biểu tượng đoàn kết, tự do và thịnh vượng của châu Âu trong đó cho phép người dân ở các quốc gia thuộc khối di chuyển tự do mà không cần thị thực và hộ chiếu.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, ngày 26/1, sau cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cũng cho rằng tương lai của Schengen phụ thuộc vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Thủ tướng Séc nhấn mạnh vấn đề khủng hoảng di cư sẽ quyết định vận mệnh của không chỉ khối Schengen, mà cả toàn bộ EU.

Séc và Slovakia quan tâm đến việc duy trì Hiệp ước Schengen và cho biết một hội nghị cấp cao khẩn cấp của Bộ tứ Visegrad (gồm Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan) đã được ấn định để thảo luận vấn đề người tị nạn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường bảo vệ các đường biên giới của khu vực Schengen. 

Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một số biện pháp cải cách nhằm hạn chế người nhập cư.

Với 81 phiếu thuận trên tổng số 109 nghị sỹ có mặt, đề xuất cải cách do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen đưa ra, quy đinh người nhập cư đến Đan Mạch sẽ phải đợi lâu hơn để có thể đoàn tụ với gia đình và những tài sản có giá trị như tiền mặt và vàng sẽ bị cơ quan chức năng thu giữ để trang trải cho cuộc sống của những người này tại các trung tâm tị nạn.

Trong khi vấp phải nhiều dư luận trái chiều, Chính phủ Đan Mạch vẫn khẳng định dự luật này là cần thiết để ngăn chặn dòng người nhập cư.

Các biện pháp cũng nhận được sự ủng hộ từ phía đảng Xã hội đối lập và các đảng nhỏ khác. Gần đây, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã siết chặt kiểm soát biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục