EU mở điều tra toàn diện tính minh bạch của các công cụ tìm kiếm

Cuộc điều tra này được cho là sẽ giải tỏa những nghi ngại của giới chính trị và doanh nghiệp châu Âu về sự thống trị của các "Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ ở thị trường EU.
EU mở điều tra toàn diện tính minh bạch của các công cụ tìm kiếm ảnh 1

Tất cả các nền tảng Internet như Google, Microsoft và Yahoo sẽ là đối tượng của một cuộc điều tra rộng rãi bởi giới chức trách châu Âu để xác định xem các công cụ tìm kiếm có đủ minh bạch trong cách hiển thị kết quả tìm kiếm.

Cuộc điều tra này được cho là sẽ giải tỏa những nghi ngại của giới chính trị và doanh nghiệp châu Âu về sự thống trị của các "Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đồng thời tìm kiếm điều mà họ gọi là sân chơi bình đằng cho các doanh nghiệp châu Âu.

Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu (EC), cuộc điều tra này không phải là một cuộc điều tra chống độc quyền mà có thể dẫn tới những án phạt rất nặng như một khoản phạt chiếm tới 10% doanh số toàn cầu của công ty bị điều tra.

Theo một dự thảo chiến lược về tạo ra một thị trường kỹ thuật số duy nhất mà EC soạn thảo thì cuộc điều tra trên sẽ được tiến hành một cách toàn diện và từ đó sẽ đưa ra những tư vấn cho các hãng công nghệ Internet về vai trò của họ trong nền kinh tế chia sẻ.

Cuộc điều tra dự kiến sẽ được tiến hành vào năm tới sẽ tập trung vào tính minh bạch của các kết quả tìm kiếm, trong đó chú ý tới cơ chế và hoạt động trả phí cho các đường dẫn (link) cùng các quảng cáo hiển thị trên các công cụ tìm kiếm. Bên cạnh đó, cuộc điều tra sẽ làm rõ cách các hãng công nghệ sử dụng các thông tin thu được từ công cụ tìm kiếm.

Phó Chủ tịch EC Andrus Ansip dự kiến sẽ công bố dự thảo chiến lược trên vào ngày 6/5.

Sự minh bạch trong các kết quả tìm kiếm trực tuyến đã trở nên đặc biệt chú ý sau khi Ủy viên châu Âu đặc trách về cạnh tranh đưa ra lời buộc tội Google dùng các thủ thuật để bóp méo kết quả tìm kiếm các sản phẩm đối thủ để ủng hộ các dịch vụ của riêng hãng này.

Bên cạnh Google, châu Âu cũng bày tỏ sự lo ngại về cách thức các công ty Internet của Mỹ như Facebook và Amazon sử dụng một số lượng lớn thông tin cá nhân mà các công ty này thu được từ các khách hàng.

Cuộc điều tra cũng hướng tới các thông tin bản quyền được sử dụng trên các công cụ tìm kiếm cũng như khả năng chuyển đổi của người dùng giữa các nền tảng tìm kiếm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục