EU: Mỹ làm phương hại nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân Iran

EU chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu thô của Iran, cho rằng điều đó "có nguy cơ làm suy yếu thêm" thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.
Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, đồng thời cảnh báo động thái này có thể làm phương hại nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn Tehran phát triển các vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Maja Kocijancic đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Mỹ, cho rằng điều đó "có nguy cơ làm suy yếu thêm" thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Tổng thống Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong năm 2018, cho rằng thỏa thuận này không có tác dụng trong việc ngăn chặn Tehran phát triển các tên lửa và gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.

[Iran cảnh báo Mỹ phạm 'sai lầm tồi tệ' khi chính trị hóa dầu mỏ]

Kể từ đó, EU đã triển khai những biện pháp để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, trong đó có cơ chế Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), một kênh thanh toán đặc biệt của EU với Iran nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD.

Trước đó, ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington.

Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng Năm tới.

Quyết định trên của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 trong bối cảnh các nhà nhập khẩu phải chịu sức ép phải dừng mua dầu của Tehran và nguồn cung toàn cầu ngày càng thắt chặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục