EU, Mỹ Latinh tiến tới giai đoạn mới của liên kết

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latinh lần thứ 6 vừa diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, với chủ đề "Tiến tới một giai đoạn mới của liên kết: đổi mới và công nghệ phục vụ phát triển bền vững và hòa nhập xã hội."

Trong khi Mỹ Latinh có sự chia rẽ chính trị, cả EU và khu vực này đều muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, thiết lập từ 1999.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latinh lần thứ 6 vừa diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, với chủ đề "Tiến tới một giai đoạn mới của liên kết: đổi mới và công nghệ phục vụ phát triển bền vững và hòa nhập xã hội."

Cho dù đây không phải là thời điểm thích hợp nhất, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tác động tiêu cực tới các nước châu Âu, trong khi tại Mỹ Latinh có sự chia rẽ chính trị sâu sắc, cả EU và Mỹ Latinh đều mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, đã được thiết lập vào năm 1999.

Lịch sử của mối quan hệ

Không phải tất cả đều có cái nhìn bi quan về Hội nghị thượng đỉnh lần này. Hạ nghị sĩ Chile Monica Zalaquett, người đã có mặt tại cuộc họp các nghị sĩ châu Âu và Mỹ Latinh cũng tổ chức tại Sevilla ở Tây Ban Nha bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Quan hệ giữa EU và Mỹ Latinh đã được hình thành từ nửa thế kỷ nay, mặc dù chỉ tới những năm 80 của thế kỷ trước, mối quan hệ này mới được chú trọng. Với sự ra đời của Nhóm Rio vào năm 1986, EU đã trở thành đối tác quan trọng của khu vực này.

Mối quan tâm của EU tại Mỹ Latinh càng tăng vào những năm 90 của thế kỷ 20. Trong khi đó, nhờ những cải cách tiến hành trong thời kỳ này, Mỹ Latinh đã mở cửa nền kinh tế và tìm tới những đối tác mới. Thỏa thuận đối thoại Mỹ Latinh-châu Âu được ký kết với Tuyên bố Roma vào năm 1990.

Vào năm 1994, EU đã đưa ra chính sách tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh và vào năm 1999, Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ Latinh đầu tiên được tổ chức tại Rio de Janeiro.

Kể từ đó tới nay, quan hệ giữa hai khu vực được tập trung vào ba nền tảng gồm chính trị, thương mại và hợp tác.

Cho tới nay, EU là tổ chức cung cấp viện trợ số một và là bạn hàng thương mại thứ hai của Mỹ Latinh. Mối quan hệ thương mại EU-Mỹ Latinh hiện có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong khi mối quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp.

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức vào năm 2002 cũng tại Madrid, Mỹ Latinh đã không còn được ưu tiên trong mối quan hệ với EU. Những thương lượng để thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa EU với khối Thị trường chung Nam Mỹ Mercosul, Cộng đồng các nước vùng Andes (CAN) và Trung Mỹ gần như chẳng có tiến triển.

Tại hội nghị lần này, EU có thể bắt đầu thay đổi triết lý của mình trong mối quan hệ với Mỹ Latinh, bởi lẽ EU sẵn sàng mở cửa thương lượng với từng quốc gia thay vì chỉ tập trung vào những đàm phán giữa EU với từng khối của Mỹ Latinh.

Nghị sĩ Chile Zalaquett cho rằng cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại châu Âu đã làm thay đổi nhãn quan của EU đối với Mỹ Latinh.

Giờ đây EU coi Mỹ Latinh như một đối tác chiến lược bình đẳng. Hơn bao giờ hết, EU cho rằng Mỹ Latinh hiện một khu vực có thể giúp "Lục địa Già" giải quyết khó khăn thay vì coi Mỹ Latinh là một vấn đề.

Tái khởi động đàm phán với Mercosur

Một trong những mục đích cơ bản của hội nghị lần này, với sự tham gia của 60 quốc gia là tái khởi động tiến trình đàm phán thương mại vớ Mercosur đã bị đình trệ từ năm 2004.

Mercosur là thị trường lớn nhất Mỹ Latinh với 270 triệu dân, gồm bốn thành viên đầy đủ là Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và hiện Venezuela cũng muốn trở thành thành viên của tổ chức này.

Tây Ban Nha, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đi đầu trong việc thúc đẩy tiến trình thương lượng EU-Mercosur. Nếu Hiệp định tự do thương mại EU-Mercosur được thiết lập, trao đổi thương mại song phương sẽ tăng lên tới 100 tỷ euro/năm và mang lại lợi ích cho hơn 700 triệu người dân.

Tuy nhiên, hiện chưa có sự đồng thuận trong EU, bởi một nhóm quốc gia, dẫn đầu là Pháp, không đồng ý với ý tưởng này.

Theo Pháp, một thỏa thuận với Mercosur sẽ đặt nền nông nghiệp EU trước nhiều nguy cơ, bởi các ngành như chăn nuôi bò, gia cầm và lợn của EU không thể cạnh tranh với các nước Mercosur.

Pháp chỉ muốn tái đàm phán với Mercosul khi nào vòng đàm phán thương mại Doha kết thúc. Ireland, Hy Lạp, Hungary, Luxembourg, Áo, Ba Lan, Phần Lan, Rumani và Síp ủng hộ Pháp và đều cho rằng trước tiên cần phải đánh giá và xem xét tác động kinh tế nếu EU và Mercosur thiết lập trao đổi thương mại.

Mercosur yêu cầu EU giảm thuế nhập khẩu và dỡ bỏ bảo hộ nông nghiệp, trong khi EU đề xuất khu vực này phải mở cửa cho sản phẩm công nghiệp của họ. Trước sức ép của các nông dân, những người mà thu nhập hiện đã giảm tới 51%, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ không khoan nhượng.

Về phần mình, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner tới Madrid trong lúc nước này đang áp dụng chính sách giảm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm từ Brazil và EU.

Tuy biện pháp này không được thông báo công khai, nhưng EU đã phản ứng và bình luận rằng họ không thể hiểu nổi quyết định đơn phương này từ phía Buenos Aires.

Thỏa thuận giữa EU và các nước

Thông thường EU thương lượng với từng khối của Mỹ Latinh, tuy nhiên trong khối CAN gồm Ecuador, Bolivia, Peru và Colombia mọi việc lại khác. Trong thương thảo về thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và CAN, Ecuador và Bolivia khắt khe hơn so với Peru và Colombia.

Do đó, tại hội nghị này Tổng thống Alan García của Peru và Alvaro Uribe của Colombia hy vọng sẽ ký thỏa thuận tự do thương mại với EU. Cùng với đó, 99% sản phẩm xuất khẩu của Colombia và Peru sẽ được miễn thuế vào thị trường EU.

Ngày 18/5, các nước Trung Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận về hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương lần đầu tiên giữa hai khu vực, sau một tiến trình đàm phán "căng thẳng" tại thủ đô Madrid.

Cho dù EU luôn theo đuổi quan hệ giữa các khối hay tổ chức khu vực, nhưng mối quan hệ song phương giữa EU với Mexico và Chile rất phát triển. Thỏa thuận chiến lược giữa EU và Chile được ký vào năm 2002.

Từ đó tới nay, hợp tác phát triển, thương mại, kinh tế giữa EU và Chile đã gia tăng đáng kể. Tại hội nghị này, EU và Chile sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, đối mới và phát triền nguồn lực.

Tổng thống Chile Sebastián Pinera sẽ chính thức công bố nước này muốn Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ Latinh lần tới được tổ chức tại Chile vào năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục