EU ngừng tìm kiếm cơ chế giải quyết khủng hoảng

EU nhất trí ngừng tìm kiếm cơ chế lâu dài để giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Khu vực đồng euro trong tương lai.
Kết thúc cuộc họp ngày 6/9 ở Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã tiến gần hơn tới thỏa thuận về biện pháp trừng phạt những nước vi phạm Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của tổ chức này.

Tuy nhiên, EU cũng nhất trí ngừng các cuộc thảo luận tìm kiếm cơ chế lâu dài để giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (đồng euro) trong tương lai.

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Việc làm Pháp Christine Lagarde cho biết EU đã đạt tiến bộ về vấn đề trừng phạt những nước vi phạm, nhưng chưa đi đến kết quả quan trọng nào để công bố tại giai đoạn hiện nay.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn khẳng định trừng phạt là vấn đề không cần bàn cãi, giống như trong thi đấu bóng đá. Ông nhấn mạnh "sẽ chẳng ích gì nếu các cầu thủ tranh luận với trọng tài về luật chơi trước mỗi trận đấu."

Bộ trưởng Tài chính Slovakia Ivan Miklos tiết lộ EU hiện chưa thống nhất về thủ tục trừng phạt, cụ thể chưa khẳng định được liệu có cần sự đồng thuận giữa các bộ trưởng tài chính tổ chức này về mọi quyết định trừng phạt trước khi thực thi hay không.

Bộ trưởng Tài chính Đức kêu gọi các nước thành viên EU kiên nhẫn hơn sau khi đã đạt nhiều tiến bộ về khía cạnh ngăn chặn khủng hoảng trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng.

Về vấn đề cơ chế lâu dài để giải quyết khủng hoảng, các bộ trưởng tài chính EU nhất trí sẽ thảo luận vấn đề này trong tương lai với lý do Khu vực đồng euro nói riêng và EU nói chung đã có cơ chế hữu hiệu tạm thời là Phương tiện ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

Theo các nguồn tin ngoại giao EU, các cuộc thảo luận về cơ chế lâu dài để giải quyết khủng hoảng bị gác lại do một cơ chế như vậy đòi hỏi EU phải thay đổi Hiệp ước EU, trong khi việc thương lượng lại văn bản có giá trị pháp lý cao nhất này sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán kéo dài liên quan nhiều lĩnh vực, không chỉ là quản lý kinh tế hay phối hợp chính sách, và không chắc sẽ giành được sự tán thành của tất cả các nước thành viên EU.

Vấn đề đình chỉ quyền bỏ phiếu của các bộ trưởng tài chính thuộc những nước vi phạm cũng không ngã ngũ. Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro cho rằng đề xuất này của Đức là phi thực tế nếu không thay đổi căn bản Hiệp ước EU. Trong khi đó, vấn đề đánh thuế mới nhằm vào các ngân hàng đang gây bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách EU và Chính phủ Anh.

Theo các quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, thâm hụt ngân sách của các nước thành viên EU không được vượt mức trần 3% GDP của mỗi nước và nợ nhà nước không quá 60% GDP. Những nước vi phạm nhiều lần sẽ phải chịu mức phạt lên tới 0,5% GDP của nước đó, nhưng việc áp dụng quyết định trừng phạt phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn kéo dài tới hai năm.

Việc thu tiền phạt chỉ được thực hiện tại giai đoạn cuối cùng, khi khu vực tài chính công của nước vi phạm bị đe dọa và phụ thuộc vào quyết định tùy hứng của các bộ trưởng Khu vực đồng euro.

Trong bối cảnh một loạt nước EU vi phạm các quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, EU tháng Năm vừa qua đã bắt đầu thảo luận các quy định tài chính nghiêm ngặt hơn nhằm giúp các nước thành viên cân bằng ngân sách và đạt thặng dư.

EU đặt mục tiêu đạt đồng thuận về vấn đề này để trình lãnh đạo EU thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm, dự kiến vào ngày 16/9 tới. Chính vì vậy, bế tắc trong kế hoạch cải cách thể thức quản lý kinh tế đang gây tâm lý thất vọng trong các nước thành viên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục