EU nhất trí lập hệ thống giám sát tài chính mới

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/6 đã đạt được nhất trí về đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu mới nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/6 đã đạt được nhất trí về đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu mới nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Phát biểu với báo chí sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nêu rõ quyết định trên xuất phát từ nhận thức chung rằng châu Âu cần có cách tiếp cận mới thực tế trong vấn đề giám sát tài chính.

Ông Barroso nhấn mạnh một hệ thống giám sát tài chính mới và rộng lớn của châu Âu sẽ không làm mất đi vai trò của các thể chế giám sát tài chính quốc gia, ngược lại sẽ càng nâng cao vai trò của các cơ quan này trong khuôn khổ châu Âu.

Theo kế hoạch mới, sẽ có 4 cơ quan giám sát tài chính mới của châu Âu được thiết lập (dự kiến vào cuối năm 2010) nhằm củng cố các hoạt động giám sát tài chính của châu Âu ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô.

Trong số đó, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Cơ quan thứ tư là "Ủy ban rủi ro hệ thống của châu Âu", có chức năng giám sát các rủi ro trong hệ thống tài chính EU và đưa ra những cảnh báo sớm về các nguy cơ mang tính hệ thống đe dọa làm mất ổn định tình hình tài chính khu vực.

Chủ tịch cơ quan này sẽ do Hội đồng chung của Ngân hàng trung ương châu Âu, có đại diện của cả 27 nước EU, bầu chọn.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi thành lập "Hệ thống các nhà giám sát tài chính Châu Âu" - nơi có quyền đưa ra những khuyến cáo khi các thể chế tài chính có những hoạt động "có vấn đề" nhằm cải thiện hoạt động của các thể chế này.

Về vấn đề nhiên liệu, ông Barroso cho biết các thể chế tài chính quốc tế sẵn sàng cung cấp "quỹ lấp khoảng trống" cho Ukraine, giúp nước này thanh toán khí đốt nhập khẩu của Nga, qua đó giúp đảm bảo nguồn cung khí đốt cho EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay đã thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số công ty khí đốt châu Âu để tìm cách vượt qua thế bế tắc hiện nay. Theo ông, nếu không có các biện pháp đối phó kịp thời, nguy cơ gián đoạn cung cấp khí đốt cho châu Âu có thể xảy ra trong vài tuần tới.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí ủng hộ ông Barroso ứng cử chức Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ hai đồng thời khẳng định các cam kết pháp lý mở đường cho Ireland tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Hiệp ước Lisbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục