EU nhóm họp tìm kiếm giải pháp hàn gắn mối quan hệ với Nga

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels nhằm thảo luận và xem xét lại mối quan hệ với Nga vốn bị phủ bóng đen do cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
EU nhóm họp tìm kiếm giải pháp hàn gắn mối quan hệ với Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Nguồn: newsweek.com)

Ngày 14/3, ngoại trưởng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ nhằm thảo luận và xem xét lại mối quan hệ với Nga vốn bị phủ bóng đen do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tại cuộc gặp, ngoại trưởng các nước cho rằng EU cần cứng rắn với Nga để bảo vệ các lợi ích chính trị và an ninh cơ bản, song vẫn cần nỗ lực tìm kiếm và hợp tác trong một số vấn đề chung như cuộc xung đột tại Syria.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng EU "cần có cách giải quyết rõ ràng đối với mối quan hệ với Nga trong tương lai," khẳng định liên minh này cần duy trì mối quan hệ với Moskva trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị châu Âu.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, từng là Ngoại trưởng Italy, bà Federica Mogherini và Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cũng nhận định đã đến lúc cần có "cái nhìn khác" và "đúng đắn" đối với mối quan hệ EU-Nga.

Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh trong những tháng gần đây, một số quan chức EU đã kêu gọi liên minh này có thể hợp tác với Nga để giải quyết các vấn đề chung, chủ yếu là cuộc xung đột tại Syria đang gây bất ổn trong khu vực cũng như dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Nam Ukraine.

EU đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và thực thể mà khối này cho là "có vai trò liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine" sau khi Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga hồi tháng 3/2014.

Với lý do các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được thực thi, EU đã tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt này bất chấp áp lực từ Nga và sự chia rẽ trong chính nội bộ liên minh này.

Bên cạnh đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga.

Đáp lại, Moskva cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục