EU qua một năm đầy sóng gió nhưng nhiều dấu ấn

Kinh tế EU năm qua đã bước vào vạch đỏ suy thoái và sự đoàn kết của châu Âu bị thử thách hết sức khắc nghiệt nhưng nhiều dấu ấn.
Châu Âu vừa đón một Giáng sinh “trắng” trong cái lạnh tê người và cũng không hy vọng được đón ngày Năm Mới ấm áp hơn.

Thời tiết mùa Đông khắc nghiệt có lẽ là thử thách cuối cùng mà các nước Liên minh châu Âu (EU) phải vượt qua sau gần 365 ngày qua.

Khủng hoảng kinh tế thử thách EU

Chiếm phần lớn thời gian trong năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực sự thử thách EU và thị trường chung của tổ chức này.

Kinh tế EU đã bước vào vạch đỏ suy thoái và sự đoàn kết của châu Âu bị thử thách hết sức khắc nghiệt khi có người đã nói tới cụm từ “hỗn loạn đang rình rập EU”.

Hệ thống ngân hàng một số nước sụp đổ hoặc vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nợ ngân sách nhà nước chồng chất, nhiều quy định nghiêm ngặt chung về kinh tế, tài chính bị phá vỡ.

Trong khi cuộc khủng hoảng đang lan như "nước vỡ bờ" ở EU thì mỗi nước thành viên lại tự tìm cách riêng để cứu mình mà không tìm cách phối hợp với nhau để cùng thoát khỏi cơn bão này.

Thậm chí, lãnh đạo một số nước còn công khai đề cao những hình thức trá hình của chủ nghĩa bảo hộ khi kêu gọi các doanh nghiệp và ngân hàng được nhà nước bơm tiền quay lại hỗ trợ tín dụng và việc làm trong nước.

Tác hại của hình thức bảo hộ ở chỗ khi nó đã được thực hiện ở một nước thì các nước có điều kiện khác sẽ nhanh chóng sao chép và áp dụng. Kết quả cuối cùng là cơ chế “mạnh ai, nấy chạy” đẩy các nước nghèo rơi vào cảnh khốn cùng do không có sự giúp đỡ.

Hình thức này ở các nước giàu Tây Âu đã đẩy kinh tế các nước Đông Âu, mới gia nhập EU năm 2004 và cũng đang nằm trong vòng xoáy của khủng hoảng, vào tình trạng thêm trầm trọng.

Việc EU không thể đưa ra được một cách thức chung để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế đã bộc lộ rõ sự mất đoàn kết trong tổ chức 27 thành viên này.

Tinh thần đoàn kết trong EU cũng thực sự bị thử thách khi phải vất vả lắm cái đại gia đình này mới tìm được tiếng nói chung trong vấn đề cải cách thể chế.

Sau 8 năm tranh cãi về “Hiến pháp EU” với 3 cuộc trưng cầu ý dân thất bại, các nước EU tháng 11 vừa qua mới hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Hiệp ước ra đời, đưa EU bước sang năm mới 2010 với dáng hình mới, bỏ lại đằng sau tất cả những gì đã trở nên lỗi thời mà khối phải tuân theo để hoạt động trong hơn 50 năm qua.

Hiệp ước Lisbon thay đổi cơ bản các cơ cấu hoạch định chính sách của EU và giản lược nhiều quy định về pháp chế nhằm tăng cường khả năng thông qua và thực hiện các chính sách chung.

Nhờ hiệp ước, EU đang tiến một bước quan trọng trong việc tăng thêm tiếng nói cũng như tăng cường vị thế trên trường quốc tế và đối phó với những vấn đề mới như toàn cầu hóa, những thay đổi về nhân khẩu học, đảm bảo an ninh năng lượng và những mối đe dọa mới về an ninh trong thế kỷ 21.

Cái tên EU mờ nhạt ở hội nghị Copenhagen


Thế nhưng, sự bất lực của châu Âu trong việc gây ảnh hưởng tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 15) tại Copenhagen (Đan Mạch) những ngày vừa qua đã khiến tân Chủ tịch EU Herman Van Rompuy phải suy nghĩ lại.

Ông đã phải thú nhận: “Sự việc này cho thấy đã đến lúc cần phải đưa khối này trở lại trạng thái hoạt động”.

EU từng luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mấy năm vừa qua và trước COP 15 đã đặt ra rất nhiều tham vọng như thuyết phục được các nước thải nhiều khí thải như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... tham gia hiệp ước mới về cắt giảm khí thải; lập quỹ tới 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo, song suốt hai tuần ở Copenhagen, cái tên EU lại trở nên mờ nhạt với kết quả hội nghị chẳng khiến ai hài lòng.

Năm 2009 cũng là kỷ niệm 5 năm EU thực hiện bước tiến lớn về phía Đông với việc kết nạp thêm 10 thành viên mới. Năm năm sau “vụ nổ lớn”, EU có vẻ ngại mở rộng. Sau khi kéo thêm 10 toa, đoàn tàu EU dường như “mệt” hơn khi trên thực tế phần được lợi thường nghiêng về những nước mới, còn châu Âu cũ đôi khi phải mất thêm công hỗ trợ và thuyết phục các thành viên mới.

Giữa Đông và Tây Âu vẫn có sự khác biệt rõ rệt về mức sống, văn hóa, quan điểm chính trị... và trong cuộc khủng hoảng kinh tế, những khác biệt này thực sự trở thành một trở ngại lớn.

Kinh tế các nước EU ở Trung và Đông Âu bi đát đến mức những “ông lớn” như Pháp, Đức, Anh và Italy bắt đầu lo sợ phương Đông sẽ kéo toàn bộ con tàu EU xuống vực thẳm suy thoái kinh tế.

Mở rộng khối - thành công lớn nhất của EU


Theo số liệu thống kê và những cuộc thăm dò dư luận, việc mở rộng đã làm tổ chức này mạnh lên. Hơn nữa, điểm dừng cho kế hoạch mở rộng EU chưa bao giờ được nhắc tới và không có trong bất cứ kịch bản nào.

Ủy viên EC phụ trách vấn đề mở rộng đã thừa nhận: “Nhìn chung, mở rộng EU đóng vai trò là mỏ neo của sự ổn định, dân chủ và là động lực của phát triển kinh tế”. Mở rộng được đánh giá là một trong những thành công lớn nhất và EU vẫn có thể tiếp nhận thêm thành viên mới. Minh chứng cho điều này là khi năm 2009 đang dần khép lại, EU đã quyết định để ngỏ cửa gia nhập cho Serbia.

EU năm 2009 còn chứng kiến những chuyển biến tích cực về ngoại giao, trong đó mối quan hệ chủ chốt với Mỹ và Nga thiên về đối thoại hơn đối đầu, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác.

Mối quan hệ EU-Mỹ vốn xấu đi dưới thời cựu Tổng thống George Bush do bất đồng về cuộc chiến Iraq đã đảo chiều và tiến triển không ngừng kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức hồi đầu năm. Dù còn bất đồng về vấn đề Afghanistan và chống biến đổi khí hậu, tình đoàn kết giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn được đánh giá là hiếm thấy.

Về quan hệ với Nga, cả hai đều thừa nhận là đối tác quan trọng và đã đạt được một số điểm đồng thuận trong các cuộc đàm phán về một Hiệp định hợp tác và đối tác mới sau một thời gian gián đoạn do cuộc xung đột ở Gruzia tháng 8/2008.

Tuy nhiên, mối quan hệ này chưa thể gọi là chân thành do vẫn có tiếng nói khác biệt trong nhiều vấn đề như năng lượng, an ninh, sự mở rộng của EU sang phía Đông hay sự chi phối của NATO trong khu vực.

Trải qua một năm với nhiều thử thách và khó khăn, song cũng để lại nhiều dấu ấn, EU chắc chắn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và vốn liếng để vận hành một cỗ máy mới ổn định và thịnh vượng sau sự thành công của Hiệp ước Lisbon./.

Khánh Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục