EU rút tất cả quan sát viên bầu cử khỏi Sudan

Liên minh châu Âu ngày 7/4 đã quyết định rút các quan sát viên bầu cử khỏi khu vực Darfur của Sudan vì quan ngại tình hình an ninh.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã quyết định rút các quan sát viên bầu cử khỏi khu vực Darfur của Sudan vì quan ngại tình hình an ninh, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở quốc gia châu Phi này.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu phái đoàn quan sát bầu cử của EU, bà Veronique De Keyser cho biết bà quyết định sẽ về nước cùng tất cả các quan sát viên EU tại Darfur, vì cho rằng những quan ngại về an ninh đang cản trở công tác của họ.

Trong thời gian gần đây, tại Darfur xảy ra nhiều vụ bắt cóc người phương Tây, cướp bóc và đụng độ giữa phiến quân và lực lượng an ninh quốc gia.

EU có phái đoàn quan sát bầu cử đông nhất tại Sudan, với 130 quan sát viên.

Theo kế hoạch, các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương của Sudan sẽ được tiến hành từ ngày 11-13/4 tới.

Đây sẽ là cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên ở nước này trong 24 năm qua. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ các đảng đối lập cho rằng cuộc bầu cử lần này chỉ là một sự sắp đặt để kết quả thắng cử thuộc về đương kim Tổng thống Omar al-Beshir.

Các đảng này cũng cho rằng không thể tiến hành bầu cử trong khi xung đột trong nước vẫn tiếp diễn.

Ngày 7/4, đảng Umma đối lập chính thức tuyên bố tẩy chay cuộc tổng tuyển cử tại tất cả các cấp, sau khi các điều kiện "mặc cả" đảng này đưa ra để tham gia bầu cử, trong đó có yêu cầu lùi thời điểm tổng tuyển cử tới tháng 5/2010, đã không được Chính phủ chấp thuận.

Trước đó, ngày 6/4, đảng Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM), chính đảng lớn nhất ở miền Nam Sudan, tuyên bố sẽ chỉ tham gia tranh cử tại hai bang là Blue Nile và South Kordofan.

Ngày 31/3, ứng cử viên SPLM tranh cử Tổng thống, ông Yasir Arman đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua.

Trong khi đó, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ngày 7/4 cho biết đã chỉ định ông Hatim al-Sir ra tranh cử tổng thống, mặc dù hôm 31/3 đảng này đã tuyên bố tẩy chay bầu cử ở tất cả các cấp.

Các cuộc bầu cử sắp tới ở Sudan là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Sudan sau khi Thỏa thuận Hòa bình Toàn diện (CPA) được ký năm 2005, chấm dứt 22 năm nội chiến đã khiến 2 triệu người thiệt mạng tại quốc gia rộng lớn nhất "Lục địa Đen."

Đây cũng là một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất, với ít nhất sáu cuộc bỏ phiếu khác nhau cùng lúc, dựa trên ba hệ thống bầu cử.

CPA cũng cho phép thành lập một chính quyền bán tự trị ở miền Nam và mở đường tiến hành cuộc trưng cầu ý dân độc lập cho miền Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2011./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục