Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xây dựng thị trường sản phẩm quốc phòng chung châu Âu.
Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso khi thông báo kết quả ngày làm việc thứ nhất Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2013, diễn ra ngày 19/12 tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh EU tập trung thảo luận về chính sách quốc phòng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Chủ tịch Jose Manuel Barroso, hội nghị đã không đưa ra các con số cụ thể hay tổng số vốn đầu tư, mà thông qua quyết định bắt đầu thực hiện chính sách quốc phòng châu Âu theo ba phương hướng.
Thứ nhất, EU dự định xây dựng một thị trường sản phẩm quốc phòng chung châu Âu.
Thứ hai, EU lên kế hoạch tăng cường phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, bao gồm cả việc cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với những hợp đồng quốc phòng. Để làm được điều này, trước hết cần thành lập một hệ thống cấp phép liên quan tới quốc phòng.
Thứ ba, EU cần tìm kiếm những khả năng mới để các nghiên cứu khoa học tân tiến nhất được áp dụng cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự.
Về phần mình, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nhấn mạnh tổ hợp quốc phòng quân sự châu Âu cần tập trung vào chế tạo các máy bay không người lái, xây dựng hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, phát triển vận tải hàng không, thiết lập những hệ thống và thỏa thuận mới về an ninh mạng quốc phòng.
Ông cho rằng những biện pháp nói trên sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trong EU và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong liên minh.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen hoan nghênh EU đã tập trung thảo luận vấn đề quốc phòng, vì đây là chủ đề quan trọng không chỉ với EU mà với cả NATO, đồng thời kêu gọi các quốc gia EU tăng cường khả năng quân sự, hợp tác và phối hợp giữa NATO và EU.
Ông nhấn mạnh để EU có thể làm tròn vai trò của mình, cần phải điều chỉnh khả năng thật sự của liên minh, những năng lực mà các quốc gia thành viên đang cần.
Đó là máy bay quan sát không người lái, hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, các phương tiện vận tải hạng nặng.
Trong khi đó, tại hội nghị, Pháp chưa thuyết phục được các đối tác châu Âu thông qua quyết định về việc lập một quỹ thường xuyên của châu Âu để hỗ trợ các hoạt động quân sự của nước này tại Mali và Cộng hòa Trung Phi.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết chỉ có Ba Lan cam kết gửi một số ít quân tham gia cùng thành phần quân đội Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, song số lượng cụ thể vẫn chưa được công bố.
Hiện nay, mới chỉ có Pháp triển khai quân tới Cộng hòa Trung Phi (1.600 quân) để khôi phục an ninh vốn rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba vừa qua./.