Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Đối ngoại và Chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU), vừa có chuyến công du qua Cuba, Mexico và Colombia để thảo luận về thương mại, đầu tư, hợp tác và tình hình Venezuela.
Theo mạng tin celag.org (Trung tâm nghiên cứu địa chính trị chiến lược Mỹ Latinh), chuyến công du này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc đình trệ kinh tế với một cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia này, cùng với EU, cũng đang tranh giành các thị trường tại Mỹ Latinh và Caribe.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của khu vực này, với giá trị trao đổi đạt 225,4 tỷ euro năm 2018 và là nhà đầu tư lớn nhất với tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đạt mức 784, 6 tỷ euro năm 2017.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh đang làm lung lay vị thế bá chủ truyền thống của Mỹ tại khu vực này.
Về mặt lịch sử, Mỹ Latinh là khu vực ảnh hưởng của Mỹ và của EU, mà ở nhiều thời điểm thường phối hợp hoạt động với nhau trong mục tiêu xây dựng bá quyền, và trong một số trường hợp khác lại muốn đánh dấu hướng đi riêng.
[Venezuela: EU có ý định hủy hoại cuộc hòa đàm với phe đối lập]
Trong tổng quan hiện tại, dường như Brussels đang muốn giữ khoảng cách với lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump, dù trong một số trường hợp cụ thể là khá dè dặt, như tại Venezuela - nơi xét về tổng thể họ đi theo định hướng do Washington hoạch định và ở một vài thời điểm lại muốn tìm kiếm lựa chọn khác.
Nỗ lực đánh dấu khoảng cách với Mỹ, ít nhất là trong những phát ngôn chính thức, là tương đối liên tục trong chính sách đối ngoại của EU trong thời gian qua, dù không phải lúc nào họ cũng đạt được điều đó.
Trên thực tế, những định hướng chính sách của EU để thâm nhập khu vực này vốn bắt nguồn từ “sổ tay hướng dẫn” của Mỹ: hợp tác vì thịnh vượng, dân chủ, sự thích ứng và khả năng cầm quyền hiệu quả.
Nếu như đây là những cột trụ mà về mặt lịch sử luôn được Mỹ thúc đẩy tại Mỹ Latinh, thì dường như chính quyền Trump hiện tại đã từ bỏ, ít nhất là một phần, luận điệu và các chiến lược “quyền lực mềm,” thường được đồng nhất với các chiến lược hợp tác, mà thay vào đó là việc áp dụng “quyền lực cứng” và đối đầu, như đã thấy trong trường hợp của Venezuela.
Thực tế thì Brussels đã thay thế Washington trở thành nhà cung cấp và thúc đẩy các dự án phát triển hàng đầu của Mỹ Latinh.
Như vậy, bằng những chiến lược quyền lực mềm và trong vai trò nhà xuất khẩu dân chủ và nhân quyền, khối liên minh của Lục địa già đang tìm kiếm vị thế địa chính trị mới tại khu vực qua con đường song phương, đồng thời vẫn duy trì các quan hệ theo cơ chế đa phương.
EU vừa thúc đẩy mạng lưới những Thỏa thuận Đối tác và Thương mại, cụ thể với Chile, Mexico, Colombia, Ecuador và Peru, vừa làm việc chặt chẽ với các thể chế khu vực như Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Thỏa thuận Đối tác EU-Trung Mỹ, hay các hội nghị thượng đỉnh định kỳ.
Các quan hệ Đối tác chiến lược song phương được ưu tiên trên hết, và sau đó là những thỏa thuận giữa Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Celac) và EU. Bước tiến của EU được ghi nhận rõ nét nhất tại các nước trong Liên minh Thái Bình Dương.
Quay trở lại với các điểm đến của bà Mogherini, có thể nói Caribe trước nay vẫn được các cường quốc châu Âu và Mỹ coi là "cửa ngõ" tiến vào Mỹ Latinh. Bản thân vị Ngoại trưởng EU cũng tuyên bố Cuba là một đối tác then chốt vì “có thể đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ Latinh và các nước Caribe khác.”
EU là nhà đầu tư lớn nhất và một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của đảo quốc bị bao vây cấm vận này.
Năm 2016, hai bên ký kết Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác, được coi như hiệp định bình thường hóa quan hệ, và qua đó Brussels cấp 200 triệu euro cho La Habana, và trong chuyến thăm lần này hai bên quyết định cập nhật quan hệ trong 4 lĩnh vực then chốt: đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, kiểm soát vũ khí thông thường, hợp tác vượt qua các biện pháp cưỡng ép đơn phương và thực hiện các nhiệm vụ của thể kỷ 21, chủ yếu là các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Về nỗ lực giữ khoảng cách với chính sách của Mỹ, Quốc vụ khanh về Hợp tác và Quan hệ với Mỹ Latinh-Caribe của Tây Ban Nha, Juan Pablo de Laiglesia (thành viên trong đoàn), đã nói rằng đối với EU, điều quan trọng là duy trì và bảo vệ cách tiếp cận riêng trong đối thoại với Cuba và cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc Mỹ áp dụng toàn phần Luật Helms-Burton đối với vốn đầu tư của Tây Ban Nha và châu Âu nói chung.
Quan hệ với Cuba là một trong những đề tài chính mà trong vài năm qua Brussels muốn tỏ rõ sự độc lập với đường lối cô lập và dọa nạt của Washington, cũng như bỏ lại đằng sau 2 thập kỷ áp dụng “Lập trường chung” đầy thù địch với Cuba mà Thủ tướng Tây Ban Nha khi đó là José María Aznar đã khởi xướng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của bà Mogherini tới Mexico, Bộ trưởng Tài chính nước này Arturo Herrera đã họp với bà Kristalina Georgieva, người sẽ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đề tài chính được thảo luận là dự án hợp tác với Trung Mỹ, trong đó EU cấp 7 triệu euro cho Kế hoạch Phát triển toàn diện Mexico-Trung Mỹ, một cơ chế hợp tác đa phương.
Trong lĩnh vực thương mại, EU dự định phê chuẩn Thỏa thuận tổng thể với Mexico, trong đó bao gồm các chương quy định nguồn gốc xuất xứ, thương mại hàng hóa, các biện pháp kiểm dịch, quyền của người lao động, tôn trọng môi trường và sở hữu công nghiệp; và hiện tại, hai bên cần chốt lại chương về hợp đồng với Nhà nước.
Ngoài ra, thỏa thuận này dự kiến sẽ mở cửa tự do cho bộ phận nông nghiệp và xóa bỏ hàng rào thuế quan.
Theo số liệu chính thức 2017, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ EU sang Mexico đạt 38 tỷ euro và xuất khẩu dịch vụ đạt 10 tỷ euro; trong khi ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Mexico sang nhóm 28 nước đạt 24 tỷ euro và xuất khẩu dịch vụ đạt 5 tỷ euro. Đây là mức thâm hụt thương mại đáng kể mà “đất nước Azteca” đang muốn giảm bớt.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mogherini tới Colombia chỉ vài tuần sau khi một bộ phận của FARC (nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia nay đổi thành chính đảng Lực lượng Cách mạng thay thế chung) cầm lại vũ khí, dường như là để tái khẳng định cam kết của Brussels với Thỏa thuận Hòa bình La Habana, bao gồm cả khoản giải ngân 645 triệu euro.
Về thương mại, EU là đối tác lớn thứ 2 của Colombia, chiếm 14,7% thị phần thương mại ngoài nước của “xứ sở càphê,” chỉ sau Mỹ (26,8%) và đứng trên Trung Quốc (12,6%).
Thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên có hiệu lực từ năm 2013 và đã góp phần làm tăng thâm hụt mậu dịch của Bogota với Brussels cũng như xu hướng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu, trong khi lại giúp EU tăng xuất khẩu máy móc công nghiệp và cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp lớn của Lục địa già.
Một trong những đề tài trong chuyến thăm lần này là làn sóng người di cư Venezuela. Brussels hỗ trợ Bogota 30 triệu euro trong lĩnh vực này, bổ sng cho 130 triệu trước đó dành cho công tác nhận dạng người nhập cư và hòa nhập họ về mặt xã hội và kinh tế. EU tranh thủ nhấn mạnh “cam kết” với việc duy trì sức ép hướng tới một giải pháp hòa bình cho Venezuela.
Chuyến công du của bà Mogherini tới Colombia bao gồm cả cuộc họp với đại diện Hệ thống toàn diện về Sự thật, Công lý, Đền bù và Không tái phạm, Ủy ban Sự thật, Tòa án đặc biệt vì Hòa bình và Đơn vị tìm kiếm.
Hoạt động này đã đánh dấu một sự khác biệt khá quan trọng trong chính sách hiện tại của Washington với Bogota, tập trung chủ yếu vào các kế hoạch chống buôn bán ma túy và các chiến lược xóa bỏ cưỡng bức từng hoàn toàn thất bại kể từ khi triển khai Kế hoạch Colombia (chương trình tài trợ, chủ yếu là về quân sự từng kéo dài nhiều năm).
Trước khi Ủy ban châu Âu (EC) thay đổi đổi ngũ vào cuối năm nay, bà Ursula Vonder Meyer - Chủ tịch tương lai của EC - tuyên bố Ủy ban này sẽ mang tính “địa chính trị” hơn và sẽ hành động như “cận vệ của chủ nghĩa đa phương.”
Bà Vonder Meyer từng khẳng định rằng sẽ tập trung vào các lĩnh vực then chốt như đối ngoại, chống biến đổi khí hậu và kinh tế số. Những lĩnh vực này rõ ràng cho thấy một mức độ căng thẳng nhất định với các quyết định do Mỹ đưa ra.
Như vậy, sự gần gũi giữa 2 siêu cường phương Tây này vẫn tiếp tục mô hình “hợp tác kèm cạnh tranh,” trong đó EU thủ vai một đế quốc qua con đường của những đồng thuận (hợp tác, dân chủ và nhân quyền), những yếu tố rất quan trọng đối với điều mà Brussels thực sự quan tâm: khuyến khích đầu tư và các dự án hạ tầng cơ sở của các doanh nghiệp EU, những đơn vị trực tiếp tranh giành sự hiện diện và các hợp đồng với các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc./.