EU ủng hộ các nước Tây Balkan nhập khối

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ các nước Tây Balkan gia nhập EU, bất chấp những lo ngại việc phê chuẩn một hiệp ước cải cách cho phép mở rộng khối này có thể bị trì hoãn.

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ các nước Tây Balkan gia nhập EU, bất chấp những lo ngại việc phê chuẩn một hiệp ước cải cách cho phép mở rộng khối này có thể bị trì hoãn.
 
Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc họp ngoại trưởng EU diễn ra hai ngày tại khu vực miền Nam Cộng hòa Séc. Ông Karel Schwarzenberg, Ngoại trưởng Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng các nước Balkan là một phần của châu Âu và do đó, những nước này cũng phải là một phần của EU.
 
Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi tạm ngừng việc mở rộng EU, sau khi Croatia, một nước Balkan, có thể gia nhập khối này trong một vài năm tới. Tuy nhiên, ý tưởng trên của Thủ tướng Merkel đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt. Ông cảnh báo rằng việc "đóng sầm cánh cửa" gia nhập EU trước mắt các nước Tây Balkan sẽ tạo ra những hậu quả thảm họa cho khu vực.
 
Sau các cuộc thảo luận giữa 27 nước EU, cuối ngày 28/3, các ngoại trưởng EU gặp những người đồng cấp các nước có triển vọng gia nhập EU ở Balkan gồm Albani, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro và Serbia.

Tuy nhiên, các ngoại trưởng EU cũng cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay có thể ảnh hưởng tới tiến trình các nước Balkan gia nhập khối. Ngoài ra, cũng có nhiều mối lo ngại cho rằng việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của EU, được thiết kế nhằm cho phép mở rộng khối (vốn đã tăng từ 15 lên 27 thành viên kể từ năm 2004), có thể bị trì hoãn.
 
Ngày 24/3 vừa qua, Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng Cộng hòa Séc Mirek Topolanek đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Hiện vẫn chưa rõ khi nào Séc sẽ thành lập được nội các mới. Trong khi đó, Cộng hòa Séc là một trong số ít nước vẫn phải phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, bản hiệp ước phải được tất cả 27 thành viên EU thông qua mới có hiệu lực./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục