EU và Canada thống nhất cách tiếp cận mới về bảo hộ đầu tư

EU và Canada đã hoàn tất đàm phán về TPP vào năm 2014 thông qua việc xem xét lại hệ thống giải quyết tranh chấp về đầu tư, thiết lập sự minh bạch hoàn toàn về trình tự và tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư.
EU và Canada thống nhất cách tiếp cận mới về bảo hộ đầu tư ảnh 1(Nguồn: euintheus.org)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 29/2, Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ Canada đã thống nhất cách tiếp cận mới về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp về đầu tư liên quan đến Thỏa thuận kinh tế và thương mại toàn cầu song phương (CETA).

EU và Canada đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định thương mại tự do vào năm 2014 bằng việc xem xét lại hệ thống giải quyết tranh chấp về đầu tư, thiết lập sự minh bạch hoàn toàn về trình tự cũng như tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư.

Sau khi xem xét về mặt pháp lý văn bản, toàn bộ các yếu tố chính trong cách tiếp cận mới của EU về đầu tư được đưa ra trong Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, bao gồm cả Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán, đều được đưa vào văn bản cuối cùng trong CETA.

Đây là sự thay đổi căn bản so với cách tiếp cận cũ, liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước-nhà đầu tư (ISDS). Đồng thời hiệp định cũng thể hiện ý chí chung của EU và Canada thay thế cơ chế ISDS hiện thời bằng hệ thống giải quyết tranh chấp mới và tiến tới thiết lập tòa án đa biên thường trực về đầu tư.

Phiên bản được xem xét lại trong văn bản của CETA là một tín hiệu rõ ràng trong ý định của EU nhằm đưa đề xuất mới này về đầu tư vào các cuộc đàm phán với tất cả các đối tác.

Phát biểu với báo giới ở Brussels, phó Chủ tịch EC Frans Timmermans nhấn mạnh với những thay đổi phù hợp của thỏa thuận, EU đưa CETA vào cách tiếp cận mới về bảo hộ đầu tư trong các thỏa thuận thương mại.

Đặc biệt, EU muốn thể hiện thiện chí bảo vệ quyền của các quốc gia để điều chỉnh và giải quyết tranh chấp về đầu tư tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc của pháp luật.

Về phần mình, ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström cho rằng bằng cách điều hành hệ thống như một tòa án quốc tế, việc thay đổi này sẽ cho phép các công dân tin tưởng vào khả năng phán quyết công bằng và khách quan.

Ủy viên Malmström khẳng định chắc chắn EU sẽ đáp ứng sự mong chờ của các quốc gia thành viên cũng như Nghị viện châu Âu.

Bên cạnh việc cải thiện điều kiện liên quan đến bảo hộ đầu tư, CETA sẽ tạo thêm nhiều triển vọng thương mại cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Canada, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa 2 bên.

Căn cứ vào thỏa thuận, 99% thuế sẽ được bãi bỏ tạo điều kiện cho xuất khẩu của EU có thể đạt 470 triệu euro/năm đối với sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng bãi bỏ hạn chế tham gia vào thị trường mua sắm công giúp các doanh nghiệp châu Âu được tham gia vào đấu thầu công ở mức độ liên bang, tỉnh, vùng hay thành phố ở Canada. CETA cũng mở ra thị trường dịch vụ cho phép những người hoạt động chuyên nghiệp làm việc dễ dàng ở Canada.

Ngoài ra, Canada cũng công nhận quy chế đặc biệt về bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU khi chấp nhận bảo hộ trên lãnh thổ Canada 145 sản phẩm châu Âu như giămbông “Prosciutto di Parma” và “Schwarzwälder Schinken.”

Sau khi được dịch ra tất cả các thứ tiếng chính thức của EU, văn bản sẽ được trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục