EU vẫn bất đồng về quỹ chống biến đổi khí hậu

Lãnh đạo các nước EU chưa thống nhất được việc lập một quỹ trị giá 6 tỷ euro để giúp đỡ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc ngày 10/12 tại Brussels (Bỉ) đã thảo luận một loạt vấn đề then chốt hiện nay của tổ chức này.

Đó là việc xác định hạn mức cắt giảm khí CO2 và phân bổ khoản kinh phí đóng góp cho quỹ trợ giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu; chiến lược EU 2020 của Ủy ban châu Âu (EC) về phục hồi và phát triển kinh tế; xem xét lại ngân sách của EU; thông qua Chương trình Stockholm về hợp tác giữa 27 nước thành viên EU trong lĩnh vực tư pháp và hải quan.

Trong ngày họp đầu tiên, lãnh đạo các nước thành viên EU chưa thống nhất được với nhau về mục tiêu đã cam kết, là thành lập một quỹ trị giá 6 tỷ euro (10 tỷ USD) để giúp đỡ các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Song, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển (nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU), ông Fredrick Reinfeldt khẳng định EU, với vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này và sẽ đạt thỏa thuận đóng góp 2 tỷ euro/năm trong giai đoạn 2010-2012.

Theo một nguồn tin thân cận tại hội nghị, hiện đã có 17 trong số 27 nước EU hưởng ứng đề nghị trên với mức đóng góp khoảng 5,4 tỷ euro (7,95 tỷ USD).

Các nước có khoản đóng góp lớn nhất là Anh (884 triệu euro) và Thụy Điển (765 triệu euro). Nếu EU đạt được mục tiêu đặt ra, đây sẽ là tin vui góp phần cho Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7-18/12, đi tới thành công.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Jerzy Buzek tuyên bố: "Vấn đề quan trọng nhất đối với thế giới ngày nay là đương đầu với tình trạng biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc tìm kiếm một giải pháp tại hội nghị của EU nói riêng và Copenhagen nói chung là rất quan trọng. Thời gian không ủng hộ chúng ta nữa. Cả thế giới đang chờ đợi kết quả từ Hội nghị Copenhagen với những quyết định vững chắc và mang tính toàn cầu".

Hiện tại, EU đang kêu gọi các nước công nghiệp phát triển cam kết đến năm 2020 sẽ cắt giảm từ 25% đến 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hy vọng các nước đang phát triển cũng hưởng ứng đề nghị này với mức cắt giảm từ 15% đến 30%.

Để đạt được hạn mức trên, dự tính EU phải chi 30 tỷ euro/năm, gánh nặng tài chính ấy sẽ được phân bổ ra sao giữa các nước thành viên cũng chính là vấn đề gây tranh tại hội nghị. Châu Âu đang hy vọng với việc Hiệp ước Lisbon có hiệu lực, EU sẽ có thêm nhiều cơ hội mới để đạt được sự đoàn kết trong lĩnh vực năng lượng, vốn là vấn đề liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu.

Ngoài biến đổi khí hậu, EU còn đang phải đương đầu với một loạt vấn đề của thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế, đòi hỏi phải có một "Chiến lược EU 2020" nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, sao cho không để xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Hội nghị cấp cao EU lần này cũng sẽ xem xét ngân sách của EU từ nay đến năm 2014 và xa hơn nữa nhằm đáp ứng tất cả những mục tiêu mà EU đề ra cho tương lai; nghiên cứu việc thành lập một mạng lưới tương trợ tài chính mới để giúp các nước thành viên phát triển một thị trường chung duy nhất; tìm biện pháp cải cách để có được một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao và giàu sức sống mới.

Hội nghị cũng hy vọng sẽ thông qua được "Chương trình Stockholm" nhằm thống nhất một chính sách hợp tác hiệu quả giữa 27 nước thành viên EU trong các lĩnh vực tư pháp và hải quan.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ khi Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của châu Âu có hiệu lực. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ bế mạc ngày 11/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục