EU xem xét hỗ trợ khả năng thanh toán cho doanh nghiệp khó khăn

EU đang xem xét một biện pháp mới trong kế hoạch tái thiết của liên minh như hỗ trợ khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp không nhận được trợ cấp ở quốc gia của họ.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra và không nhận được trợ cấp từ chính phủ của đất nước họ.

Phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức và 4 tờ báo khác của châu Âu, Ủy viên EU phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni đã đưa ra thông báo trên, đồng thời cho biết EU đang xem xét một biện pháp mới trong kế hoạch tái thiết của liên minh như hỗ trợ khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp không nhận được trợ cấp ở quốc gia của họ.

Ông Gentiloni nhấn mạnh điều này rất quan trọng đối với các chuỗi giá trị liên châu Âu, ví dụ như ngành công nghiệp ôtô. Ông Gentiloni cho rằng nếu một "mắt xích" bị hỏng thì các bộ phận khác đều bị ảnh hưởng.

Về tác động của đại dịch đối với cuộc sống ở EU nói chung, ông Gentiloni cảnh báo: "Chúng ta phải sống chung với đại dịch trong vài tuần, có thể là vài tháng."

[Quan chức EU kêu gọi cấm Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu Âu]

Theo ông Gentiloni, kỳ nghỉ Hè năm nay sẽ khác so với mọi năm và EU cần phải làm mọi thứ có thể để giúp ngành du lịch, đặc biệt là ở Nam Âu, vốn đóng góp đáng kể vào sản lượng kinh tế hàng năm.

Hai nền kinh tế lớn nhất EU là Đức và Pháp đứng sau kế hoạch hỗ trợ 500 tỷ euro cho các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 20/5 cho biết Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng nước này sẽ dẫn đầu những nỗ lực nhằm có được vắcxin phòng bệnh COVID-19.

Ước tính, kế hoạch này trị giá 310,82 triệu USD để mua đủ vắcxin cho 8,6 triệu người dân Thụy Sĩ.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng khả năng miễn dịch của người dân Thụy Sĩ cũng như các nước khác sẽ rất thấp sau đợt bùng phát dịch đầu tiên của bệnh COVID-19. Do đó, nhu cầu vắcxin trên toàn thế giới sẽ tăng cao.

Thụy Sĩ sẽ trả tiền cho bất kỳ nguồn cung vắcxin nào bằng khoản ngân sách đã được phân bổ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này để đảm bảo rằng người dân có đủ vắcxin phòng bệnh, nhưng cũng để đảm bảo tất cả các quốc gia khác cũng có quyền tiếp cận vắcxin một cách công bằng trong bối cảnh lo ngại một số đối tượng có thể sẽ tích trữ khiến nguồn cung hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục