EU-Mỹ Latinh chấm dứt "cuộc chiến chuối" dai dẳng

EU đã đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt "cuộc chiến chuối" dai dẳng về thuế nhập khẩu với các nước sản xuất chuối Mỹ Latinh.
Nguồn tin ngoại giao từ Brussels (Bỉ) cho biết, ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận nhượng bộ nhằm chấm dứt "cuộc chiến chuối" dai dẳng với các nước sản xuất chuối của Mỹ Latinh xung quanh mức thuế nhập khẩu loại sản phẩm nhiệt đới này.

Theo thỏa thuận vừa thông qua, EU sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu chuối từ Mỹ Latinh từ mức 176 euro/tấn xuống còn 114 euro/tấn trong giai đoạn 2010-2017, với mức cắt giảm ban đầu xuống còn 148 euro/tấn.

Với thỏa thuận mới này, người tiêu dùng sẽ có lợi do giá bán các sản phẩm sẽ hạ, và đây được coi là động thái mới để EU tiến hành những thỏa thuận tự do thương mại với các nước Trung và Nam Mỹ.

Đây là cuộc tranh chấp kéo dài nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khởi nguồn từ chính sách nhập khẩu chuối được áp dụng từ tháng 7/1993 của EU.

Trong khi chuối nhập khẩu vào EU từ các nước Mỹ Latinh là đối tượng phải chịu thuế nhập khẩu, thì chuối từ phần lớn các nước thuộc địa trước đây của châu Âu tại châu Phi, các nước vùng Caribe và khu vực Thái Bình Dương (ACP) lại được miễn thuế hoàn toàn.

Cũng theo thỏa thuận trên, các nước thuộc nhóm ACP sẽ nhận được 200 triệu euro (293 triệu USD) tiền viện trợ phát triển từ EU để giúp những nước này đối phó với những thay đổi về thuế nói trên, đồng thời các nước khu vực Mỹ Latinh sẽ đồng ý từ bỏ kiện EU đối với vấn đề thuế nhập khẩu chuối.

"Cuộc chiến chuối"
lần đầu tiên được đưa lên WTO vào năm 1996, do các nước Ecuador, Guatemala, Honduras, Mexico và Mỹ khởi xướng.

Mặc dù Mỹ không phải là nước xuất khẩu chuối sang EU, nhưng ba trong số các nhà sản xuất chuối lớn nhất có các trang trại trồng chuối ở Mỹ Latinh là các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ.

Về phần mình, lần đầu tiên WTO lên tiếng phản đối chính sách nhập khẩu chuối của EU là vào năm 1997, với lý do các chính sách này "đi ngược lại" các nguyên tắc thương mại toàn cầu.

Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng hồi tháng 7/2008, các bên đã gần tiến đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến này, song kết quả đó đã đổ vỡ do nó được gắn với toàn bộ các vòng đàm phán Doha về tự do thương mại thế giới, nơi không đạt được một hiệp định chung nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục