EU-Nga cam kết phát triển quan hệ đối tác đặc biệt

Tại cuộc gặp thượng đỉnh chớp nhoáng chỉ kéo dài trong ba giờ, hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã diễn ra ngày 28/1 tại thủ đô Brussels (Bỉ).

Tham dự hội nghị về phía EU có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso, đại diện cấp cao EU về ngoại giao kiêm Phó Chủ tịch EC Catherine Ashton.

Về phía Nga có Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh chớp nhoáng chỉ kéo dài trong ba giờ với việc đơn giản hóa các nghi lễ ngoại giao, các đại biểu hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, bãi bỏ thủ tục visa đối với công dân hai bên, tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược và kết nối hội nhập giữa liên minh Á-Âu với EU.

Đặc biệt, Nga và EU đã nhất trí thành lập liên doanh tổ hợp khí đốt chung và ra Tuyên bố về đấu tranh chống khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, lãnh đạo hai bên khẳng định dù vẫn còn những bất đồng nhưng nhìn chung hai bên đã đi đến thống nhất trong nhiều vấn đề như tăng cường hợp tác chống cướp biển, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy hợp tác trong khối G8, G20.

Về hợp tác giữa EU và Nga, Chủ tịch Van Rompuy nhấn mạnh hai bên là đối tác trên nhiều lĩnh vực và hiện đang tiến tới việc thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) giữa EU và Liên minh hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan).

Theo Tổng thống Nga, đây sẽ là "không gian kinh tế chung trải dài từ Lisbonne tới Vladivostok."

Trước đó, Nga và EU đã thỏa thuận nâng công suất sử dụng đường ống OPAL nối hai bên lên mức 100%, so với mức 50% hiện nay.

Theo nhà lãnh đạo Nga, kim ngạch thương mại giữa hai bên trong năm 2013 có thể sẽ vượt mức kỷ lục 410 tỷ USD của năm 2012, chủ yếu nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực khí đốt và đầu tư.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình hình Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định Nga luôn tôn trọng chủ quyền cũng như quyền tự quyết của các nước láng giềng.

Nga không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính 15 tỷ USD cho Ukraine theo thỏa thuận đã ký.

Tổng thống Putin cũng phủ nhận những chỉ trích của các nước Tây Âu rằng Nga đã gây sức ép để Kiev từ bỏ hiệp định liên kết với EU.

Về phần mình, hai lãnh đạo EU Van Rompuy và Barroso tuyên bố EU muốn thoát ra khỏi tình trạng "chống đối lẫn nhau" do việc Ukraine xích lại gần Nga về mặt kinh tế.

Ông Van Rompuy khẳng định cánh cửa dành cho Ukraine vẫn rộng mở và EU sẵn sàng ký kết hiệp định với Ukraine chừng nào nước này còn có nguyện vọng.

Hiện EU và Nga đã nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn song phương cấp chuyên viên nhằm nghiên cứu những hậu quả kinh tế do việc Ukraine từ bỏ hiệp định thương mại với EU.

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa Nga và EU sẽ diễn ra vào tháng Sáu tại thành phố Sochi của Nga với mục tiêu giải quyết các bất đồng thương mại, củng cố và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược song phương vì lợi ích của nhân dân và sự ổn định của châu lục./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục