EU-Nhật nhất trí hợp tác vì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở

EU nhận định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là tâm điểm của thế giới về địa kinh tế và địa chính trị, trong đó bất kỳ sự gián đoạn nào đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích của EU.
EU-Nhật nhất trí hợp tác vì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc điện đàm ngày 29/11,Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí hợp tác trong nỗ lực hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút này, hai bên đã trao đổi quan điểm các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Nhật Bản và ông Michel diễn ra do kế hoạch thăm Tokyo vào ngày 29/11 của người đứng đầu EC bị hoãn lại do một thành viên của đoàn EC có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Trong những năm gần đây, EU và Nhật Bản đều coi trọng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

EU triển khai hàng loạt chính sách, biện pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng tại địa bàn nhiều tiềm năng này.

EU nhận định rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là tâm điểm của thế giới về địa-kinh tế và địa-chính trị, trong đó bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích chủ chốt của EU.

[Mỹ-Nhật Bản nhất trí về sự cấp thiết củng cố quan hệ đồng minh]

Đối với Nhật Bản, năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Shinzo Abe đã từng đề cập đến “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), trong đó tập trung đánh giá sự hội nhập kinh tế và chiến lược của một khu vực rộng lớn trải dài từ eo biển Đông Phi đến Nam Thái Bình Dương.

Tầm nhìn của Nhật Bản với khu vực này dựa trên 3 trụ cột: Một là, đề cao pháp trị, tự do hàng hải và tự do thương mại; hai là, thúc đẩy kết nối thông qua đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; ba là, phát huy vai trò đối với hòa bình và an ninh khu vực thông qua xây dựng năng lực, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và các chiến dịch chống cướp biển./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục