Eurozone đặt điều kiện giải ngân cứu trợ Hy Lạp

Trong 2 tuần tới, Hy Lạp phải thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới, để được giải ngân kịp thời khoản cứu trợ 12 tỷ euro.
Ngày 20/6, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) đặt điều kiện cho Hy Lạp trong vòng hai tuần tới phải thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới, để được giải ngân kịp thời khoản cứu trợ thứ năm trị giá 12 tỷ euro trong gói cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cấp cho Hy Lạp hồi năm ngoái.

Trong khi đó, IMF cảnh báo sự ổn định kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội Hy Lạp đối với chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới của chính phủ nước này.

Các nhà quan sát cho rằng với thời hạn chót nói trên, Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sẽ có đủ thời gian để tìm cách vượt qua hai thử thách quan trọng tại Quốc hội, gồm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Nội các mới trong ngày 21/6 và cuộc bỏ phiếu đối với chương trình cắt giảm chi tiêu ngân sách tới 28,4 tỷ euro từ nay đến năm 2015, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới.

Bên cạnh việc đặt thời hạn chót cho Hy Lạp, các quan chức tài chính Khu vực đồng euro quyết định nhóm họp lại vào ngày 3/7 tới để đưa ra quyết định về việc giải ngân khoản cứu trợ thứ năm và phác thảo các chi tiết liên quan gói cứu trợ thứ hai trị giá 100 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Các chuyên gia quốc tế sẽ giúp mở đường cho những quyết định này bằng cách tăng cường các cuộc thanh tra tài chính tại Hy Lạp trong các ngày 21-22/6.

IMF, định chế tài chính đóng góp 1/3 tổng gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp, cho rằng Quốc hội Hy Lạp cần hành động kiên quyết nhằm ngăn chặn "bệnh" nợ công ở nước này lan ra toàn Khu vực đồng euro và toàn thế giới.

Về phần mình, Thủ tướng Papandreou tại cuộc gặp cùng ngày ở Brussels, Bỉ với Chủ tịnh EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, đã cam kết rằng Hy Lạp sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cải thiện tình hình tài chính.

Nợ công của Hy Lạp hiện lên đến 350 tỷ euro và nước này có thể vỡ nợ nếu không được giải ngân phần cứu trợ 12 tỷ euro trong tháng 7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục