Eurozone tăng khả năng cho vay của quỹ cứu trợ

Ngày 14/2, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro quyết định tăng gần gấp đôi khả năng cho vay thực của quỹ cứu trợ dài hạn.
Tại cuộc họp ngày 14/2 ở Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro quyết định tăng gần gấp đôi khả năng cho vay thực của quỹ cứu trợ dài hạn, tên chính thức là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).

Cuộc họp cũng thảo luận những lựa chọn nhằm tăng cường quỹ cho vay ngắn hạn, tên chính thức là Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF), song không đạt đồng thuận về vấn đề này.

Phát biểu sau cuộc họp, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker cho biết ESM sẽ "ra mắt" vào ngày 1/1/2013 và có khả năng cho vay thực lên tới 500 tỷ euro. Quy mô của ESM sẽ được xem xét 2 năm một lần.

Cũng theo ông Juncker, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tham gia ESM, nhưng tổ chức này chưa thông báo phần đóng góp của mình. Các nước ngoài Khu vực đồng euro có thể tham gia ESM trên cơ sở tự nguyện.

Ra đời để thay thế EFSF hết hiệu lực vào giữa năm 2013, nhưng ESM hiện chỉ có khả năng cho vay thực khoảng 250 tỷ euro. Phần còn lại được sử dụng như tài sản thế chấp nhằm giúp các nước Khu vực đồng euro vay mượn trên thị trường với giá rẻ hơn giá họ cho vay lại.

Lãnh đạo tài chính Khu vực đồng euro đưa ra quyết định trên trong bối cảnh sức ép đối với thị trường trái phiếu khu vực này lại gia tăng và Liên minh châu Âu (EU) đứng trước thời hạn chót phải kết thúc các cuộc thương lượng về quy mô, phương thức và phạm vi áp dụng ESM tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này vào ngày 25/3 tới.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha ngày 14/2 lên đến 7,3%, thậm chí có lúc lên đến 7,636%, so với 1,175% cách đó 3 ngày.

Lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Tây Ban Nha cũng tăng, báo hiệu nguy cơ xảy ra cơn hoảng loạn mới trên thị trường trái phiếu châu Âu, khi EU triệu tập phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro vào ngày 11/3 tới để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát khủng hoảng nợ công trong toàn khu vực và giải quyết những bất cập về chính sách kinh tế trong khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục