Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã đạt thặng dư thương mại 15,4 tỷ euro (20,9 tỷ USD) trong tháng Năm vừa qua, trong đó dẫn dầu là Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu trong khu vực.
Trong khi đó, thặng dư thương mại của Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên trong tháng Năm chỉ đạt 600 triệu euro, thấp hơn nhiều so với con số 1 tỷ euro trong tháng Tư và kém xa mức 15 tỷ euro hồi tháng 5/2013.
Trong bốn tháng đầu năm nay, Đức đạt thặng dư thương mại cao nhất trong số các nước Eurozone với 66 tỷ euro, tiếp theo là Hà Lan, Ireland và Italy. Ngược lại, nhu cầu tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi đã khiến Anh bị thâm hụt thương mại nhiều nhất, ở mức 38,8 tỷ euro trong cùng thời gian này, tiếp sau là Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Thặng dư thương mại của Eurozone trong tháng Năm cao hơn đáng kể so với mức thặng dư 14,6 tỷ euro cùng kỳ năm 2013. Thành tích này có được nhờ xuất khẩu của 18 nước thành viên trong tháng Năm tăng 0,6% so với tháng trước đó, mạnh hơn so với mức tăng 0,5% của nhập khẩu. Đây là tin đáng mừng sau một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng vừa được công bố.
Tuy vậy, nhìn chung từ đầu năm tới nay, hoạt động thương mại trong khu vực chững lại, do tình hình tăng trưởng yếu ở các thị trường mới nổi đã gây sức ép lên xuất khẩu, trong khi mùa Đông không quá lạnh đã làm giảm nhập khẩu năng lượng.
Nhà kinh tế Michael Pearce thuộc Capital Markets cảnh báo rằng xuất khẩu của Eurozone vẫn gặp không ít khó khăn xuất phát từ việc đồng euro mạnh. Với đồng euro vẫn ở mức cao hiện nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải hành động để giảm giá đồng euro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực./.