“EVN chỉ nên quản lý các nhà máy điện đa mục tiêu”

Theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, để thị trường điện được minh bạch thì EVN chỉ nên tập trung quản lý các nhà máy điện đa mục tiêu.
Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 là hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực cũng như cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội; an ninh quốc phòng và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Tuy nhiên qua gần 7 năm thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không phù hợp với các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, đặc biệt là vấn đề về giá điện, quy hoạch ngành điện...

Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực sẽ được Quốc hội khóa XII thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 4 sẽ tạo ra sự đột phá giúp ngành điện phát triển, cũng như hướng tới một thị trường điện cạnh tranh vào sau năm 2022 theo đúng mục tiêu đề ra.

Trao đổi với Vietnam+ ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, luật cần làm rõ chức năng của EVN trong thị trường điện. Theo phương án của hiệp hội thì EVN sẽ chỉ trực tiếp quản lý các nhà máy đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Yaly, Trị An...

PV: Dưới góc độ chuyên gia đầu ngành về năng lượng thì theo ông việc sửa đổi luật điện lực lần này lại cần đề cập những vấn đề gì?

- Ông Trần Viết Ngãi: Muốn quy hoạch về điện thì đầu tiên Chính Phủ cần quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng, trong đó có các phân ngành như: dầu khí, than, năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Các phân ngành này phải được thiết lập trước sau đó mới tiến hành lập quy hoạch ngành điện. Điều này nhằm đảm bảo nhiên liệu đầu vào cho ngành điện một cách hợp lý nhất.

Hiện Chính Phủ đã quyết định quy hoạch tổng sơ đồ điện VII với tầm nhìn đến năm 2030, bình quân mỗi năm sản lượng điện cả nước đạt 100 tỷ kWh, nhưng tới năm 2030 sẽ lên tới 330 tỷ kWh nên cần phải tập trung đẩy mạnh tiến độ để xây dựng các dự án nằm trong tổng sơ đồ này mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cũng trong tổng sơ đồ VII thì tới 2015 phải nhập khẩu than, còn than trong nước phải đảm bảo sản xuất được 55 triệu tấn. Đến 2020 thì lượng than cần cho điện là 67 triệu tấn. Nhưng hiện ngành than đang gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù là đầu mối nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đến ký hợp đồng nhập khẩu than với số lượng là cụ thể cũng như than loại gì và thời gian nào... với ngành than.

Còn đối với khí, theo quy hoạch điện VII thì tới 2030 lượng khí tự nhiên sẽ hết dần nên ngay từ bây giờ phải nghiên cứu việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí hóa lỏng LNG phục vụ nhu cầu trong nước.

PV: Về giá điện thì sao thưa ông? Làm thế nào để minh bạch hóa những khoản phí của ngành điện?
 
- Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi, về giá điện, hiện nay từ giá bán buôn đến giá bán lẻ, việc hạch toán giá thành đều do EVN đảm nhận. Do vậy, EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi để nhân dân biết, từ đó việc tăng giá hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý.

Ngoài ra, để giảm được giá thành điện thì trước mắt EVN cần phải xem xét giảm bớt biên chế. Ước tính EVN quản lý 17.000 MW trong tổng số 26.000 MW của cả nước nhưng tổng biên chế đã vượt 110.000 người. Như vậy, hệ số biên chế quá lớn làm tăng quỹ lương, đồng nghĩa với tăng giá thành.

Bên cạnh đó, tổn thất điện năng của EVN còn cao (khoảng 9%), mà đây lại là một vấn đề hết sức quan trọng góp phần giảm giá thành và giá bán điện cho người tiêu dùng. Theo ước tính, thì mức tổn thất điện năng khoảng 4% là hợp lý, nếu giảm được 1% thôi thì mỗi năm cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

Trong luật điện lực sửa đổi cũng cần ghi rõ quan hệ giữa người bán điện và người mua điện là phải dựa trên hợp đồng kinh tế. Nếu như người bán tự ý cắt điện không có lý do chính đáng thì thời gian cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất và tiều dùng sẽ phải bị phạt ở mức tương ứng.

PV: Vậy nhà nước có nên định giá điện không thưa ông?

- Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi giá điện nên trao cho các cơ quan bán điện và người bán điện tính toán trên cơ sở chi phí và giá thành, còn nhà nước chỉ nên định hướng và giám sát để giá điện được minh bạch.

PV: Thị trường điện cạnh tranh sẽ bắt đầu vào khoảng 2022, vậy theo ông cần có những bước đi cụ thể nào?

- Ông Trần Viết Ngãi: Từ 1/7/2012 Chính Phủ cho thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng sau một thời gian thực hiện đã bắt đầu bộc lộ một số bất cập. Qua khảo sát các nhà máy điện của 3 tập đoàn thuộc EVN, PVN và TKV thì các nguồn điện chạy than được huy động với giá thành không cao (mức chào giá cạnh tranh là 5%, dao động từ 800-1.000 đồng/kWh) thấp hơn giá thành sản xuất, thời gian huy động của các nhà máy này không cao. Đặc biệt các nhà máy của TKV chỉ huy động 30%-40% công suất, làm cho các nhà máy đó bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy...

Do đó, để có một thị trường điện ở cả ba cấp độ (thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh) theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt thì Chính phủ cần phải sắp xếp tái cơ cấu lại ngành điện trong cả nước để làm sao các nhà kinh doanh, các nhà đầu tư về điện được bình đẳng, công bằng như nhau.

Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục